nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn “American Gun” (“Khẩu súng Mỹ”) của Cameron McWhirter và Zusha Elinson kể lại chi tiết lịch sử khốc liệt của khẩu súng trường AR-15 mà không hề tô vẽ.
Theo lời kể của Cameron McWhirter và Zusha Elinson trong “American Gun”, câu chuyện về khẩu súng trường AR-15 khét tiếng này là một phiên bản của Frankenstein, với nhà phát minh lỗi lạc tên là Eugene Stoner trong vai Victor Frankenstein, người tạo ra con quái vật đó. Là “người thợ nghiệp dư thích mày mò” không có bằng đại học, Stoner có trí tưởng tượng không ngơi nghỉ và năng khiếu trực quan về kỹ thuật, thôi thúc ông phác thảo thiết kế ở khắp mọi nơi, kể cả trên khăn trải bàn ở nhà hàng. Vào thập kỷ 1920, sống ở Thung lũng Coachella của California khi còn thơ ấu, cậu bé Stoner đi săn cùng cha và bị ám ảnh bởi “đủ loại vật thể có thể bắn ra được”.
Dù cuối cùng Stoner đã thai nghén một loại vũ khí làm thay đổi thế giới, song ông không thể tìm tòi để hiểu được những hậu quả tiềm ẩn của nó. Ông muốn binh lính Mỹ có loại súng hiệu quả nhất có thể có được, loại súng có khả năng giúp họ nhanh chóng tiêu diệt một nhóm Cộng sản. Câu chuyện về thành tựu vĩ đại của ông và hậu quả hủy diệt của nó tạo thành tâm điểm cho cuốn sách của McWhirter và Elinson, một tác phẩm bậc thầy về tường thuật lịch sử và phóng sự nguyên bản.
Cho đến thời Chiến tranh Triều Tiên, lính Mỹ vẫn sử dụng khẩu M1 nặng nề khủng khiếp, loại vũ khí chính xác cần có băng đạn tám viên và bắn ra những viên đạn to. Năm 1950, sau một trận đánh hồi đầu cuộc chiến, khi lính Mỹ bị áp đảo bởi lực lượng đông hơn của Bắc Triều Tiên, hiển nhiên khẩu súng trường này không còn hữu dụng nữa.
Stoner, người từng là lính thủy đánh bộ trong Thế chiến II, đầu quân cho một tập đoàn sản xuất van máy bay, nơi một kỹ sư thiết kế chăm nom dạy dỗ anh, cho anh học việc. Tình trạng không được đào tạo chính quy biến anh thành người sáng tạo hơn và bớt thủ cựu hơn những đồng nghiệp được đào tạo. Khi có thời gian rảnh rỗi, anh lao vào sứ mệnh trong gara của mình là cải tiến khẩu M1 thô vụng. Năm 1954, cuộc gặp gỡ tình cờ với một doanh nhân lắm mưu nhiều kế dẫn đến việc thành lập Armalite, hãng sản xuất súng đạn này dưới sự chỉ đạo của Stoner sẽ chế tạo khẩu AR-15 và cố gắng thuyết phục quân đội sử dụng nó.
Loại vũ khí bắn rất nhanh này được cấu thành từ nhôm, sợi thủy tinh và nhựa, nặng khoảng 2,5 kg khi chưa nạp đạn. Nó có một hệ thống nạp đạn kiểu mới hoạt động bằng khí nén của chính khẩu súng và một báng súng độc đáo giữ cho khẩu súng nhằm đúng mục tiêu. Nó có thể chuyển đổi giữa cài đặt bán tự động và hoàn toàn tự động. Đạn của nó nhỏ và bắn ra với tốc độ cao. Khi một viên bắn trúng cơ thể con người, theo lời các tác giả, “nó sẽ chậm tốc độ lại và giải phóng năng lượng”. Không giống như viên đạn cỡ nòng lớn của khẩu M1 có xu hướng xuyên thẳng qua người, viên đạn của khẩu AR-15 trở nên dễ thay đổi về lý tính khi găm vào và “xé nát cơ thể như một cơn lốc xoáy, xoắn ốc và xoay nghiêng khi nó phá hủy các cơ quan, mạch máu và xương cốt”.
Bất chấp sự tàn khốc hiển nhiên của loại vũ khí này, Armalite không kiếm được hợp đồng quân sự lớn nào. Năm 1959, hãng sản xuất súng Colt mua lại quyền sản xuất và cấp giấy phép con cho khẩu AR-15 của Stoner và hệ thống nạp đạn bằng khí nén của anh. Colt may mắn hơn với phiên bản khẩu súng trường của mình, phiên bản mà các lực lượng vũ trang gọi là M16. Nó được trang bị băng đạn 20 viên, và hồi năm 1966 quân đội đặt mua hơn 400.000 khẩu súng loại này cho binh lính.
Với cách diễn đạt điềm tĩnh, chính xác cho phép nghiên cứu toàn diện của các tác giả tỏa sáng, cuốn “American Gun” làm sáng rõ rằng chức năng quan trọng nhất của khẩu AR-15 là tiêu diệt kẻ thù với khả năng nhanh nhất. Khẩu súng này không dùng cho mục đích dân sự. Điều đó không ngăn cản hãng Colt tiếp thị tới những người săn bắn một phiên bản bán-tự-động – khẩu "Sporter" – có ổ đạn năm viên. Khẩu súng này không được ưa chuộng và hãng chỉ sản xuất vài nghìn chiếc mỗi năm. Nhưng năm 1977, khi bằng sáng chế của Stoner hết hạn, quan điểm đó đã thay đổi.
McWhirter và Elinson, hai phóng viên của The Wall Street Journal, từ từ mở ra nửa sau câu chuyện với sự kiềm chế đáng ngưỡng mộ; ta có thể cảm nhận được tình trạng căng thẳng đang hình thành từng sự thật lạnh lùng, thảm khốc. Một cánh cửa mở hé và những kẻ cơ hội đầu tiên chen lấn nhau vào. Họ mường tượng ra những dấu hiệu của đồng đô-la chứ không phải thương vong – những thi thể bị tàn hủy đến mức không thể nhận dạng được. Trách nhiệm xã hội không được tính đến trong toan tính của họ, họ chỉ tính đến kỹ thuật chế tạo loại vũ khí rẻ tiền và đơn giản để sản xuất hàng loạt.
Cuối thập kỷ 1980, khẩu AR-15 đã có mặt trong những cuộc chiến băng đảng và những cuộc đấu súng với cảnh sát ở California. Từ đó cả nước nỗ lực thúc đẩy nhằm cấm nó và các loại vũ khí tương tự, khiến khẩu súng này thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng và biến nó thành biểu tượng chính trị có uy lực lớn. Năm 1994, lệnh cấm vũ khí bán-tự-động được Tổng thống Bill Clinton ký phê chuẩn thành đạo luật. Đạo luật này, cũng cấm các ổ đạn có thể chứa nhiều hơn 10 viên đạn, không áp dụng cho các vũ khí và phụ tùng phụ kiện đã được lưu hành. Hơn nữa, nó còn chứa điều khoản tự động chấm dứt hiệu lực sau 10 năm trừ phi được cơ quan lập pháp gia hạn, mà các tác giả phát hiện ra là do những người thuộc Đảng Dân chủ đệ trình dự luật này dở hơi thêm vào thậm chí là trước cả khi cuộc thương lượng của các nhà lập pháp bắt đầu. Như cuốn sách đã minh chứng, đạo luật đó ắt phải thất bại, không những thế nó còn khiến vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.
Việc tác động để các giám đốc cấp cao và giới chủ của hãng sản xuất súng đạn phát biểu thẳng thắn một cách công khai là một trong số những thành tựu phóng sự của các tác giả, một thành tích hầu như chưa có tiền lệ. Như một người phát biểu khi đề cập đến lệnh cấm này: “Mỗi điều khoản họ đưa ra, tôi sẽ nghĩ ra một cách lách luật hoặc một biện pháp đối phó.” Các nhà sản xuất súng thực hiện những sửa đổi rất nhỏ cho AR-15 để đáp ứng từng câu chữ trong đạo luật mà không ảnh hưởng đến hiệu suất của súng. Sản lượng và nhu cầu tăng vọt, lợi nhuận cũng tăng theo.
Với thời điểm thiên niên kỷ mới [Y2K] đang đến gần, và nỗi lo sợ về sự phân rã và tình trạng hỗn loạn của xã hội đang lan rộng, doanh số bán súng tăng vọt. Các vị giám đốc cấp cao của các hãng chế tạo súng nhận ra rằng có thể dễ dàng lợi dụng nỗi hoang tưởng đó: “Trong thời kỳ hoảng loạn có thể kiếm bẫm tiền,” có người nói với McWhirter và Elinson như vậy. Một người khác tái định hướng chiến lược kinh doanh của công ty xoay quanh điều mà các tác giả gọi là “nhu cầu thất thường”. Thay vì sản xuất vũ khí quanh năm, công ty thuê bên ngoài sản xuất các bộ phận, đồng thời điều chỉnh cho thích hợp với các đơn hàng khi cần thiết. “Tất cả những gì chúng tôi làm là lắp ráp,” vị giám đốc đó cho biết. “Đó là một mô hình rất hay.”
Thị trường ăn theo nỗi hoang tưởng này nở phình ra sau ngày 11/9. Sau đó, các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan càng khiến khẩu AR-15 hằn sâu hơn trong trí tưởng tượng của người Mỹ. Đây là khẩu súng trường của các anh hùng – sự liên tưởng được các hãng sản xuất súng tuyên bố một cách dứt khoát. Theo lời các tác giả, suốt ba thập kỷ trước khi đạo luật cấm súng nói trên được ban hành, ngành này sản xuất 400.000 khẩu súng trường kiểu AR-15. Trong 10 năm hiệu lực của luật cấm này, con số lên tới gần 900.000 khẩu. Trong khi doanh số bán các loại súng khác tụt hậu, khẩu súng trường này lại có “yếu tố bắt chước”, như người đứng đầu bộ phận kinh doanh thương mại của nhà sản xuất Sig Sauer phát biểu, và nói thêm rằng: “Người ta muốn làm một gã thuộc Lực lượng Đặc biệt”.
Năm 2004, sau khi đạo luật cấm súng chấm dứt hiệu lực, cánh cửa mở tung. Một người mê súng là giám đốc điều hành của một hãng đầu tư vào các quỹ đầu tư tư nhân bước chân vào thị trường này, và, cùng với công ty Freedom Group, khiến đất nước này tràn ngập những khẩu súng kiểu AR-15. McWhirter và Elinson có được tài liệu nội bộ từ Freedom Group, bao gồm bản ghi nhớ “mật” của bộ phận tiếp thị tranh luận về việc cho phép những khẩu súng của hãng này được đưa vào các video trò chơi điện tử bạo lực như một cách khiến “tạo ra sự ưa chuộng thương hiệu trong thế hệ kế tiếp đang trải nghiệm những trò chơi này”. Trong một email, một giám đốc cấp cao của hãng tỏ ra kinh ngạc vì chiến lược này dường như cực kỳ hiệu quả.
Khi “American Gun” lao nhanh tới cái kết tất yếu, ta chỉ những muốn đánh mắt đi nơi khác để khỏi phải đọc nó. Các tác giả kể lại những vụ xả súng hàng loạt đang gia tăng tần suất và con số thương vong, từ những vụ xả súng năm 2012 tại rạp chiếu phim Aurora bang Colorado và Trường tiểu học Sandy Hook cho đến những vụ ở Parkland, Uvalde, liên tục không ngừng. Tại Sandy Hook, một sĩ quan cảnh sát bước vào phòng vệ sinh nhỏ mà không thể hiểu được mình đang nhìn thấy cái gì. “Sau giây lát, anh nhận ra đó là khuôn mặt của một cậu bé con, nằm trên một đống,” các tác giả viết. “Đống gì thế này? Anh nhìn xuống. Anh đang nhìn vào một đống trẻ em.”
Hôm người ta bắt đầu tổ chức các lễ tang ở Sandy Hook, ban giám đốc của Freedom Group tổ chức cuộc họp khẩn cấp, bỏ phiếu để mua lại nhà sản xuất nòng súng có thể làm cho khẩu súng AR-15 của hãng này sinh lời nhiều hơn. Sandy Hook “là thảm kịch lớn tồi tệ khủng khiếp”, giám đốc điều hành của Freedom Group sau đó nhận xét trong một lời cung cấp bằng chứng, “nhưng tác động của nó lên những quyết định về vốn dài hạn của doanh nghiệp này thì không phải là – không phải là một nhân tố.”
Tính đến cuối năm 2021, người Mỹ sở hữu hơn 20 triệu khẩu súng kiểu AR-15, một con số tăng gấp 50 lần chỉ sau 25 năm. Với nguồn thông tin chắc chắn đáng tin cậy, “American Gun” phơi bày sự thật chuẩn xác về ngành công nghiệp nơi mà việc biến nỗi sợ hãi thành lợi nhuận cùng với số xác dân thường ngày càng tăng chẳng khiến lương tâm người ta day dứt là mấy. Các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng đều có thể học hỏi nhiều thứ từ cuốn sách này.
AMERICAN GUN: The True Story of the AR-15 | By Cameron McWhirter and Zusha Elinson | 473 pp. | Farrar, Straus & Giroux | $32
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Bài trước: Tầm phủ sóng xa rộng của Madona
Chia sẻ: