nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trong cuốn Anansi's Gold (“Vàng của Anansi”), Yepoka Yeebo đào sâu đến tận gốc rễ một vụ lừa đảo lừng danh – và người đàn ông đã trốn thoát được sự trừng phạt hàng thập kỷ.
Hãy bảo tôi đừng kể nữa nếu bạn đã nghe chuyện này: Một người xa lạ cần thu hồi khoản tiền bị mắc kẹt trong một ngân hàng. Nhưng để tiếp cận được số tiền khổng lồ này, anh ta cần tiền tàu xe đi lại. Và để đáp ứng khoản chi phí này cũng như các phí tổn hành chính cần thiết khác nhằm mở khóa gia tài này, bạn có vui lòng giúp anh ta một khoản đầu tư nhỏ được không? Bạn sẽ được đền đáp xứng đáng cho sự hào phóng của mình.
Trò này được gọi là lừa đảo tạm ứng chi phí, hoặc “419”.
Ngày nay, các vụ lừa đảo kiểu này thường nhằm vào người già và người không-hiểu-biết-gì-về-mạng. Nhưng hồi xưa có một người đàn ông tên là John Ackah Blay-Miezah đã lừa được một cơ số đáng kể những người lõi đời vào một vụ điên rồ như vậy, họ hết lòng trông đợi khi vụ đầu tư kết thúc, khoản tiền đầu tư ban đầu sẽ được nhân 10 lần.
Nạn nhân gồm cả các nguyên thủ quốc gia, chính trị gia và doanh nhân. “Những người tin rằng Blay-Miezah là kẻ lừa đảo”, vị đại sứ Mỹ tại Ghana viết cho Henry Kissinger, “đang lo rằng hắn ta rất có thể có tiền và thế thì họ có vẻ sẽ là những kẻ cực kỳ ngu ngốc”.
Câu chuyện “Anansi’s Gold” hấp dẫn của Yepoka Yeebo phác thảo những nét chính về cuộc đời của Blay-Miezah, làm sáng tỏ cách hắn ta thực hiện những hành vi lừa đảo nhiều năm trời trong lúc sống xa hoa một cách đáng kinh ngạc ra sao. Là nhà báo tự do, tác giả đào sâu những kho lưu trữ tài liệu khắp Đại Tây Dương, bới tung những vụ án hình sự và thực hiện những cuộc phỏng vấn với các nạn nhân cũng như các cộng sự của hắn, bằng vào đó chị kể cho chúng ta không chỉ về Blay-Miezah mà còn về cái thế giới đã tạo điều kiện cho hắn phát đạt. Yeebo viết: “Họ nhìn thấy Blay-Miezah, trong trang phục một ông chủ sang trọng, đang thêu dệt một câu chuyện về châu Phi đen tối nhất, khối tài sản nhiều vô kể và một nhà lãnh đạo tham nhũng. Và bởi vì câu chuyện đó – và người đàn ông đó – vừa khớp với những ý niệm có sẵn trong đầu họ như khớp mộng, nên họ đã bịa nốt phần còn lại của câu chuyện cho chính mình.”
Tuy có một số phiên bản về cách dàn dựng vụ lừa đảo đầu tiên, nhưng đây là phiên bản phổ biến nhất: Năm 1972, trong phút lâm chung – chuyện là thế đấy – vị tổng thống đầu tiên của Ghana là Kwame Nkrumah tiết lộ ông ta đã giấu hàng chục ngàn thỏi vàng và lượng tiền mặt lên đến nhiều triệu đồng trong những hầm chứa tại ngân hàng ở Thụy Sĩ. Kho báu này được ủy thác mà chỉ riêng người bạn tâm giao của ông ta là Blay-Miezah mới có thể tiếp cận được. Một khi các điều kiện ủy thác được đáp ứng, khoản tiền đó sẽ được lấy ra, phần lớn dành để phát triển quốc gia Ghana. Phần còn lại sẽ thuộc về Blay-Miezah trung thành – và các nhà đầu tư của hắn.
Yeebo giải thích: “Ngay sau khi giành độc lập, trên thực tế đã có âm mưu mang kho vàng dự trữ của Ghana ra khỏi đất nước này”. Chị kể chi tiết về cách quản lý quỹ sai lầm vô phương cứu chữa của chính quyền thuộc địa Anh. Cảnh khốn cùng khiến người ta nảy ra câu hỏi tất cả tiền bạc đã đi đâu – cũng chừa lại vừa đủ lý do để nghi ngờ rằng câu chuyện của Blay-Miezah có thể là sự thật.
Sinh năm 1941 tại một làng nhỏ vùng duyên hải, Blay-Miezah mài giũa khả năng đọc vị người khác ngay từ khi còn nhỏ. Khả năng này, cùng với sự mê hoặc nhờ luyện tập mà nên, với trí nhớ phi thường và sự tê liệt dây thần kinh xấu hổ tuyệt đối, sẽ chứng tỏ một sự kết hợp chết người. Thoạt đầu hắn làm công việc phục vụ tại các câu lạc bộ tư nhân dành riêng cho giới giàu có, sau đó là trong khoảng thời gian ngồi tù lần đầu (vì những vụ lừa đảo nhỏ), nơi hắn bị giam cùng với những kẻ thuộc giới tinh hoa bị thất sủng ở các chế độ kế tiếp, hắn đã học được “cách một người đàn ông quyền lực nên ngồi như thế nào, anh ta cần gật đầu tỏ ý ra sao, anh ta nên chiếm lĩnh không gian trong phòng thế nào”.
Nhà tù cũng là nơi hắn gặp một giáo sĩ cấp tiến và chôm chỉa ngôn từ của ông ta, dàn dựng âm mưu của hắn như một thương vụ mạo hiểm xuyên châu Phi. Những năm sau đó, Blay-Miezah và các cộng sự của hắn “đang chào bán sự giải phóng: một cơ hội để hàn gắn vết thương do chủ nghĩa thực dân gây ra”, tác giả viết. “Đối với tất cả những người xứ khác, chúng đang chào bán cơ hội cướp bóc tài sản cha ông để lại của một quốc gia châu Phi.”
Đối với Blay-Miezah, điều cốt yếu là hắn luôn giữ quan hệ tốt đẹp với chế độ cai trị; có thời trước khi các vụ lừa đảo được thực hiện mà không dễ dàng che giấu địa chỉ email, hắn cần đến hộ chiếu ngoại giao để thuyết phục nhà đầu tư rằng hắn có quyền tiếp cận ngân quỹ đó, rằng hắn đang thực hiện chuyến đi tất yếu đến Thụy Sĩ và tiến hành họp với các chủ ngân hàng châu Âu.
Trong khi những người quan trọng có thể coi hắn là một con rối hữu ích, tình bạn của họ cho hắn tính hợp pháp vô giá để thiết lập các đầu mối và thuyết phục họ đầu tư. Khi một số mục tiêu mất tinh thần, “đây có ngài cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói rằng tiền đang đến rồi này.” Song đến đầu thập kỷ 1970, Blay-Miezah bị truy nã vì tội lừa đảo ở Liberia. “Hắn ta nói dối như Cuội,” một nhà ngoại giao Ghana thông báo với các công tố viên Mỹ như vậy.
Các nạn nhân người Mỹ cả tin hơn. Một số người coi đó là khoản đầu tư mang tính đầu cơ. Những người khác chấp nhận rằng với số tiền lớn liên quan đến vụ này thì đó hẳn sẽ là một quá trình kéo dài nhiều năm. Thậm chí là sau khi mộng đẹp của họ đã tan tành, rất ít người sẵn sàng công khai thừa nhận họ đã bị lừa bịp.
Blay-Miezah đã gặp may. Hơn một lần, khi hắn thấy mình bị dồn vào chân tường, thì lại có đảo chính diễn ra ở Ghana – cho phép hắn thoát khỏi nhà tù nhanh hơn và viện lý do rằng tất cả số tiền đầu tư đã thành vô giá trị. Khi không có biến động chính trị nào để dựa dẫm, hắn sẽ giả vờ lên cơn đau tim, yêu cầu thêm tiền để trang trải viện phí.
Nghiên cứu về nhân vật này cũng đóng vai trò một văn bản lịch sử quan trọng về Ghana thời hậu Nkrumah. Chúng ta có được quyền tiếp cận hậu trường của hai cuộc đảo chính và hiểu biết sâu về hoạt động của hệ thống tình báo của nhà nước đã cai trị trước khi Ghana chuyển sang chế độ dân chủ. (Blay-Miezah có liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho chế độ đó, như một công việc phụ của hắn.)
Đây là thời đại mà hầu như vẫn không được đề cập đến; các thủ phạm và nạn nhân sống trong một nền hòa bình bấp bênh. Dấn sâu vào các báo cáo đã bị kiểm duyệt của Ủy ban Hòa giải Quốc gia thời hậu-độc-tài, Yeebo mô tả sinh động mức độ bạo tàn mà những thường dân Ghana phải chịu đựng do chế độ đó. Hơn thế nữa, dưới sự thống trị của quân đội, Ghana phải chứng kiến nạn lạm phát lên tới 117%, và sản lượng ca cao tụt dốc không phanh. Tất cả những điều đó khiến những con người tuyệt vọng muốn được thấy cái thứ nằm trong những hầm chứa tại ngân hàng ở Thụy Sĩ của Blay-Miezah – thậm chí là sau cả một thập kỷ chẳng nhìn thấy kết quả nào.
Và, vào thời điểm những vụ lừa đảo được hắn đích thân thực hiện, mẽ ngoài của hắn rất bảnh bao. Hắn thích hút xì gà và diện những bộ âu phục may đo, đi lại bằng xe Rolls-Royce trắng và được hộ tống bởi đội an ninh gồm các cựu quân nhân lực lượng đặc biệt. Các tư dinh của hắn thật nguy nga tráng lệ.
Nhưng thời gian sắp hết, và một mục trong chương trình “60 Phút” sẽ phát lộ những mâu thuẫn của câu chuyện đó. Trong suốt 15 năm, cộng sự người Mỹ của Blay-Miezah lừa đảo ít nhất 300 người với tổng số tiền là 15 triệu USD. Một quả phụ cao tuổi mất toàn bộ số tiền bà có. Một nhà đầu tư trắng tay thậm chí bay tới Accra, nơi anh ta cố gắng tự tay xiết cổ Blay-Miezah.
Chẳng ăn nhằm gì: Blay-Miezah đã vào tù ở Pennsylvania (vì đóng giả làm nhà ngoại giao và lừa gạt một khách sạn ở Philadelphia) khi Kwame Nkrumah chết, khiến hắn không thể ở bên ông ta trong phút lâm chung. Đại bồi thẩm đoàn liên bang rốt cuộc sẽ truy tố hắn về tội lừa đảo bằng công nghệ viễn thông – và chính phủ Ghana có vẻ sẵn sàng dẫn độ hắn. Nhưng vào thời điểm bị truy tố, Yeebo viết, Blay-Miezah đã chết rồi. Một lần nữa hắn lại thoát được.
Điều đáng kinh ngạc là đến giờ vẫn có những người tin. Yeebo so sánh Blay-Miezah với Anansi, con nhện lừa gạt mang tính cảnh tỉnh trong văn hóa dân gian Ghana, kẻ hiểu rõ sức mạnh của một câu chuyện hoang đường. Anansi thường tự rơi vào bẫy của chính mình và phải đương đầu với hậu quả. “Nhưng sau đó, những câu chuyện về Anansi vẫn không chấm dứt,” Yeebo viết. “Người ta vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm kho báu. Anansi vẫn sẽ được nhớ đến như một ông vua.”
ANANSI’S GOLD: The Man Who Looted the West, Outfoxed Washington, and Swindled the World | By Yepoka Yeebo | Illustrated | 378 pp. | Bloomsbury | $29.99
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: