nguồn: New York Times,
biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,
Cuốn sách mới của Patricia Evangelista -- nhà báo Philippines kể lại cuộc điều tra của cô về chiến dịch giết người phi pháp dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.
Trước khi đọc cuốn “Some People Need Killing” (Nhiều kẻ cần phải bị giết), cuốn sách mới đầy sức thuyết phục của nhà báo Patricia Evangelista người Philippines, tôi cứ tưởng định nghĩa “sự cứu vớt” (salvage) rất đơn giản. Từ này xuất phát từ salvare, tiếng Latin có nghĩa là “cứu”. Bạn trục vớt cứu hàng hóa từ tàu thuyền bị đắm; bạn cứu đồ đạc khỏi đám cháy.
Nhưng từ “salvage” có nghĩa khác trong tiếng Anh của Philippine. Định nghĩa này bắt nguồn từ salvaje, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “hoang dã”. Từ điển tiếng Anh Oxford gọi hiện tượng ấy là “sự thay đổi ngữ nghĩa hoàn toàn so với nghĩa gốc tiếng Anh là 'giải cứu'”. Đây là một từ mang hai nghĩa gần như trái ngược nhau tùy vào ngữ cảnh: từ có thể có nghĩa ngược lại. “Salvage” ở Philippines có nghĩa là “bắt và xử tử (một kẻ bị tình nghi là tội phạm) mà không cần xét xử.”
Tác giả Evangelista gọi hiện tượng này làm hỏng ngôn ngữ — điều hóa ra lại thích hợp theo nghĩa khủng khiếp. Cuốn “Some People Need Killing” chủ yếu kể về những năm từ 2016 đến 2022, khi Rodrigo Duterte giữ cương vị tổng thống Philippines và theo đuổi chiến dịch giết người “bắt và xử tử,” hay giết người phi pháp — gọi tắt là EJK. Những vụ giết người như vậy xảy ra thường xuyên đến mức các nhà báo như Evangelista, khi đó đang làm phóng viên cho trang tin tức độc lập Rappler, lưu trữ thư mục trên máy tính sắp xếp không phải theo ngày mà theo giờ chết.
Cuốn sách lấy tựa đề từ một trong những nguồn tin của Evangelista, người cảnh vệ ủng hộ Duterte có tên Simon. “Tôi thực sự không phải là người xấu,” Simon nói với tác giả, giải thích rằng anh đang làm khu ổ chuột nơi anh sống an toàn hơn cho các con mình. “Tôi không xấu. Một số kẻ cần phải bị giết.” Họ không chỉ xứng đáng bị giết; họ cần bị giết. Trách nhiệm về những cái chết thuộc về chính người chết. “Ngôn ngữ không cho phép quy trách nhiệm cho ai,” Evangelista viết. “Việc xử tử trở thành thực hiện nghĩa vụ công việc.”
Tác giả Evangelista sinh năm 1985, vài tháng trước khi chế độ độc tài Marcos kết thúc và kỷ nguyên mới của nền dân chủ Philippines bắt đầu. Cô là quán quân trẻ môn diễn thuyết trước công chúng, rồi trở thành trợ lý sản xuất tại một kênh tin tức tiếng Anh và là người phụ trách chuyên mục cho một nhật báo, trước khi chuyển sang tập trung vào mảng báo chí điều tra. Sự việc hai phụ nữ trẻ mất tích năm 2006 xua tan ảo tưởng của tác giả về chính phủ nước mình. Những người phụ nữ ấy là người tổ chức cộng đồng. Cuối cùng, những lời khai tuyên thệ và mệnh lệnh nhiệm vụ ghép lại thành sự thật. Những người phụ nữ kia không chỉ đơn giản “mất tích”; họ bị biến mất. Họ bị quân đội bắt cóc và tra tấn.
Đó là thời kỳ một thập kỷ trước khi Duterte lên nắm quyền cao nhất đất nước. Cuốn sách chủ yếu viết về ông ta, nhưng tác giả Evangelista muốn chúng ta hiểu được rằng Duterte không phải tự nhiên mà xuất hiện. Trước chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông là thị trưởng lâu năm của thành phố Davao trên đảo Mindanao phía nam. Ông ta giả vờ xuất thân khiêm tốn trong khi thực tế lại là con cháu giới thượng lưu.
Cuối những năm 1980, các nhóm cảnh giác chống cộng được Tổng thống Corazon Aquino ủng hộ, ông này có cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân lật đổ chế độ độc tài Marcos theo cách hòa bình. Khi sự hiện diện của cộng sản giảm dần ở Thành phố Davao, các phương pháp chống nổi dậy được sử dụng nhắm vào tội phạm và người nghi ngờ sử dụng ma túy. Khi Duterte trở thành thị trưởng năm 1988, thi thể bắt đầu xuất hiện với dòng chữ “Biệt đội tử thần Davao”. Duterte có lúc thẳng thừng phủ nhận sự tồn tại của các đội tử thần nhưng lúc khác lại phủ nhận kém dứt khoát hơn. Vài lần ông ta lớn tiếng tuyên bố sẽ giết người. “Nếu thực hiện hoạt động bất hợp pháp trong thành phố của tôi,” Duterte tuyên bố với các phóng viên hồi năm 2009, “bạn sẽ là mục tiêu ám sát hợp pháp.” Cam kết giết người Philippines trở thành một phần trong cương lĩnh của ông ta. "Tôi có phải là đội tử thần không?" ông nói năm 2015. “Đúng. Đúng là thế."
Những người ủng hộ Duterte cũng bày tỏ quan điểm tương tự. “Ở quê tôi,” một người kể với tác giả Evangelista, “hầu hết mọi người là Duterte.” Evangelista chú ý đến sự sùng kính hoàn toàn được truyền tải khi ngôn ngữ không dùng giới từ. Duterte được bầu lên vì ngôn từ thô tục và những lời đe dọa của ông ta rõ ràng có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Một người ủng hộ tin rằng những kẻ Duterte hứa sẽ giết là loại người nên bị giết. Một người khác khẳng định Duterte chỉ đùa, chỉ nói bất kỳ điều gì cần nói để thu hút quần chúng. Ông ta tập hợp một liên minh kỳ lạ giữa những người tin tưởng vào nghĩa đen lời nói của ông và những người không tin như vậy. “Để tin vào Rodrigo Duterte,” tác giả Evangelista viết, “bạn phải tin rằng ông ta là kẻ sát nhân, hoặc ông ta đang đùa khi nói mình là kẻ sát nhân.”
Cuốn sách được chia thành ba phần: “Ký ức”, “Cuộc tàn sát” và “Cầu nguyện”. Phần “Cuộc tàn sát” mô tả cách thức Duterte thực hiện lời hứa của mình là giết người Philippines. Cảnh sát Quốc gia Philippines đưa ra con số thương vong khoảng 8.000 người; tác giả Evangelista cho rằng tổng số thực tế có thể cao hơn nhiều, mặc dù ngay cả ước tính cao nhất là hơn 30.000 người chết cũng không phản ánh được mức độ tàn bạo cuộc chiến của Duterte. Tác giả kể lại vài vụ giết người chi tiết đến đau lòng. Một nạn nhân là thanh niên mắc chứng động kinh. Anh ta bị bắn, rồi bị tát, rồi lại bị bắn. Một người mẹ 52 tuổi và đứa con trai 25 tuổi của bà bị cảnh sát hàng xóm giết chết vì chơi pháo tự chế trên bãi cỏ của nhà họ. Evangelista xem đoạn video dài 11 giây do người thân 16 tuổi của các nạn nhân quay. Cho đến khi đó, cô ghép lại các cảnh giết người từ một mớ báo cáo của cảnh sát, lời khai từ các nhân chứng sợ hãi và các đoạn camera giám sát nhiễu mờ.
“Lẽ ra phải có một vụ nổ, một đám mây hình nấm, một cái gì đó, ở đâu đó, báo hiệu sự chuyển giao đột ngột từ sự sống sang cái chết,” tác giả viết, kinh ngạc thay khi thấy “tiếng nổ nhỏ” của súng lại vang lên quá nhanh và tầm thường như thế. Trong nhiều năm, cô từng viết về cái chết và giật mình nhận ra sự thật lạnh lùng: “Gõ một câu văn còn chậm hơn giết một người.”
Khi Duterte tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 30 tháng 6 năm 2016, ông ta phát biểu toàn lời đúng đắn — thề sẽ duy trì quy trình hợp pháp và pháp quyền, trích lời Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt. Vài giờ sau, khi phát biểu tại một khu ổ chuột, ông ta “cho thả lũ chó săn chiến tranh”, Evangelista viết. “Nếu ai đó có con nghiện ngập, hãy tự mình giết chúng đi,” ông ta nói với khán giả nghèo khổ đang cổ vũ mình, “để cha mẹ chúng không quá đau khổ”. Sáng hôm sau, một thi thể chính thức được ghi nhận là “Người đàn ông không xác định danh tính” được tìm thấy trong con hẻm ở địa phương với một lỗ đạn sau tai trái và tấm bìa cứng trên ngực: “TÔI LÀ TRÙM MA TÚY TRUNG QUỐC”.
Trong cuốn sách của mình, tác giả Evangelista khiến chúng ta cảm nhận được nỗi sợ hãi và đau buồn cô cảm thấy khi ghi lại những gì Duterte đã làm với đất nước mình. Nhưng thu hút cảm xúc của chúng ta chỉ là một phần; điều khiến cuốn sách này trở nên ấn tượng là bởi tác giả muốn chúng ta cũng suy nghĩ về những gì đã xảy ra. Tác giả rất chú ý đến ngôn ngữ, không chỉ vì cô là nhà văn. Ngôn ngữ có thể được sử dụng để giao tiếp, phủ nhận, đe dọa, dỗ dành. Ngôn từ của Duterte thô lỗ và hạ nhục. Còn ngôn từ của Evangelista gợi nhiều liên tưởng và chính xác.
“Báo chí,” Evangelista viết, “là hành vi đức tin.” Ở Philippines, nơi tự do báo chí từ lâu đã trở thành mục tiêu, đây cũng là hành động dũng cảm. Tác giả cần tin rằng công chúng trên hết cũng muốn điều cô muốn: có một nền dân chủ hiệu quả và những nhà báo còn sống để đưa tin những gì họ chứng kiến. Ngôn ngữ chứa đựng sự đối lập của chính nó — có thể truyền bá những lời nói dối, nhưng cũng cho phép người ta nói lên sự thật.
SOME PEOPLE NEED KILLING: A Memoir of Murder in My Country | By Patricia Evangelista | Random House | 428 pp. | $30
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: