nguồn: New York Times,
biên dịch: Quỳnh Anh,
Trong cuốn “The Last Politician (Chính trị gia cuối cùng)”, tác giả Franklin Foer kể lại nửa đầu nhiệm kỳ tổng thống của Biden theo cách trình bày như loạt khoảnh khắc trên truyền hình nhằm truyền cảm hứng cho những người còn nghi ngờ và xoa dịu những người chỉ trích.
Lịch sử về chính quyền Biden sẽ được viết ra sao: là bước ngoặt nước Mỹ bắt đầu hồi phục hay là khoảng gián đoạn giữa những thời điểm bế tắc và khó khăn? Cuốn “The Last Politician” của Franklin Foer, kể về hai năm đầu cầm quyền của Biden, là bản nháp đầu tiên cho câu trả lời. Cuốn sách đầy kịch tính. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng. Vấn đề là, từ lễ nhậm chức ảm đạm của Biden đến kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chúng ta đã biết trước câu chuyện sẽ thế nào.
Tác giả Foer, cây bút của tờ The Atlantic, khơi lại những thời điểm được nhắc tới trong những tiêu đề quen thuộc với nhiều câu trích dẫn mới mà các cố vấn và thành viên nội các kể cho ông chủ yếu về bối cảnh đằng sau, nhưng cần có người viết hiểu biết về những diễn biến khó diễn tả của lịch sử hơn tác giả Foer mới truyền tải được thật thuyết phục cơn lốc xoáy khi đó đã nhấn chìm chính quyền Biden. Trừ khi, như đôi khi tác giả dường như muốn ám chỉ, cảm giác có dàn dựng theo lối mòn mà cuốn sách của ông thể hiện là sự thật về chính quyền hiện tại.
Theo tác giả Foer, Biden rất thích “địa vị Nhà lãnh đạo của Thế giới tự do”. Ông đã chờ đợi đằng đẵng cả cuộc đời dài để có được cơ hội này. Một trong những khách mời tiết lộ nhiều hơn trong cuốn sách kể chuyện Phòng Bầu dục đã thực sự được sắp xếp lại để tạo sân khấu cho câu chuyện tổng thống của Biden. Bức chân dung khổng lồ Franklin Roosevelt giờ đây chiếm “vị trí danh dự” phía trên lò sưởi văn phòng. Nếu Trump làm tổng thống theo phong cách công ty đấu vật giải trí, thì mọi người sẽ có cảm giác thư ký và trợ lý của chính quyền Biden đang sống trong phiên bản làm lại của bộ phim “The West Wing (Cánh Tây)”.
Trong bối cảnh được sắp xếp kỹ càng này, ít nhất là theo lời kể của Foer, các sự kiện bên ngoài xen vào như những tập phim được giải quyết gọn gàng. Ở Trung Đông, “Bibi” trả đũa các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas bằng cách tấn công Gaza và phá hủy một tòa nhà cao tầng là nơi đặt văn phòng của các nhà báo thuộc Al Jazeera và Associated Press. Trong vài ngày căng thẳng, Biden bằng năng lực cá nhân đã thành công xoa dịu người Israel. “Này, chúng ta sắp hết đường rồi,” Biden nói với Bibi qua điện thoại. Kết quả là một lệnh ngừng bắn được cam kết. Vấn đề thực tế về tương lai của Palestine hầu như không được tính đến.
Sau đó là việc Nga đổ bộ vào Ukraine. Tác giả Foer nhận xét có phần rụt rè, khi Volodymyr Zelensky nhậm chức năm 2019, Biden có lẽ hiểu rõ bối cảnh chính trị Ukraine hơn là vị tổng thống mới của nước này, một kẻ nghiệp dư chính trị. Ngay từ đầu cuộc xung đột, Biden không muốn bị lôi kéo vào Thế chiến III và ông không ngại truyền đạt như vậy cho Zelensky. Tuy nhiên, với tác giả Foer, chiến lược chung không phải chủ đề chính. Điều quan trọng là thái độ thiếu biết ơn của Zelensky khi được tặng món quà đạn dược vũ khí và cách “Joe từ Scranton” khiến Kyiv phải nói lời cảm ơn nước Mỹ qua một dòng tweet.
Có lẽ bởi đây là vấn đề được giới tinh hoa chính sách chi phối phần nhiều, nên thách thức mới và lạ lẫm về Trung Quốc với tư cách là “đối thủ cạnh tranh ngang hàng” hầu như không được đề cập đến trong lời kể của Foer. Ngược lại, việc rút quân khỏi Afghanistan, ưu tiên cá nhân của Biden, lại được thể hiện chi tiết.
Biden làm được theo ý mình. Nhưng với giá nào? Biden không ngần ngại khi đối mặt với những thân nhân giận dữ của lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc rút quân. Tuy nhiên, năm ngoái, khi được hỏi trước ống kính rằng ông cảm thấy có trách nhiệm như thế nào đối với đất nước Afghanistan mà nước Mỹ đang bỏ lại phía sau, vị tổng thống tương lai khum ngón tay và ngón cái tạo thành hình con số 0.
Biden cũng có thiếu sót. Ông từng gây ra bê bối khi gọi Vladimir Putin là “kẻ giết người”. Biden có vẻ còn nhận xét rằng Barack Obama không biết cách truyền đạt ý mày cút đi sao cho “đúng cách” với, theo tác giả Foer mô tả, “nguyên âm kéo dài và phụ âm chắc nịch như ông”.
Cuốn sách của Foer trên hết là vở kịch tâm lý về tầng lớp chính trị Mỹ. Trọng tâm là mối quan hệ giữa Biden và đảng Dân chủ “ôn hòa”. Kyrsten Sinema và Joe Manchin, hai thượng nghị sĩ ở phía cực hữu của đa số thành viên đảng Dân chủ, được coi là hai phiên bản khác nhau của nước Mỹ. Một người còn trẻ, nóng nảy và hung hãn; người còn lại trường phái cũ, ủy mị và dân túy.
Nếu chính quyền trước là trường mầm non, thì Trump là đứa trẻ chập chững biết đi cầm đầu. Biden không phải là đứa trẻ mới biết đi, nhưng mô tả của Foer về những cái tôi đối lập tạo nên bức chân dung không mấy hay ho về giới thượng lưu già cỗi của nước Mỹ. Tác giả mô tả Biden ở những thời điểm khác nhau là cố chấp, ủ rũ, hay tủi thân và vô kỷ luật. Sau khi vô tình kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga và phải thực hiện xử lý hậu quả, Biden rầu rĩ hỏi vì sao mình lại bị “đối xử như trẻ con” theo cách mà John F. Kennedy chưa từng bị. Câu trả lời hiển nhiên không ai dám trả lời.
Nếu bạn theo dõi các nhà kỹ trị điều hành chính quyền Biden trong “The Last Politician”, họ kể câu chuyện quan trọng hơn, tập trung vào chính sách về việc vượt qua chủ nghĩa tân tự do và sự đồng thuận của New Washington. Tác giả Foer kể lại điều này qua cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan, và con đường ông ta từ người theo chủ nghĩa Clinton cốt cán trở thành người ủng hộ chính sách công nghiệp mới. Nhưng bí mật bẩn thỉu là dự án lớn của họ — Xây dựng lại tốt hơn (Build Back Better) — đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước.
Danh sách đạo luật ấn tượng đặt ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Biden — Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ, Đạo luật Cơ sở hạ tầng, dự luật bán dẫn CHIPS và Đạo luật Giảm lạm phát, như được biết đến là kế hoạch Build Back Better — là sản phẩm của sáng kiến quốc hội cũng như của Nhà Trắng. Còn vài ngày nữa là đến thời điểm nghỉ giữa kỳ của quốc hội, mùa hè năm 2022, bản dự thảo Đạo luật Giảm phát được nhân viên của Manchin đọc cho trợ lý của Schumer với những chi tiết cuối cùng được thực hiện trong tầng hầm của tòa nhà Capitol đầy những đường ống lồ lộ. Chiến thắng thực sự của Nhà Trắng không nằm ở việc đưa ra dự luật mà ở việc, dù hay dở thế nào, biến nó thành công cụ chính sách hiệu quả.
Trong mọi trường hợp, phép màu kỹ trị không phải nội dung cuốn sách của Foer đề cập đến. Tác giả nhấn mạnh, Biden phải được đánh giá theo lối chính trị gia kiểu cũ. Về điểm đó, tránh được thất bại hoàn toàn trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 dường như đã là lời bào chữa cho ông.
Thế nhưng, tác giả Foer nhắc nhở chúng ta vai trò cá nhân của Biden trong kết quả đáng ngạc nhiên đó rất hạn chế. Xếp hạng tỷ lệ chấp thuận của ông quá mong manh nên ông khó có thể vận động mạnh mẽ. Yếu tố mang lại kết quả cho Đảng Dân chủ không phải chính trị gia mà là thẩm phán, khi Tòa án Tối cao hủy bỏ phán quyết vụ Roe và Wade. Bản thân Biden không có hành động quyết liệt chống lại quyết định này.
Về vấn đề phá thai, đức tin Công giáo của ông khiến ông thực sự bị giằng xé. “Ở đâu có các nữ tu,” Biden viết trong hồi ký năm 2007, “ở đó có nhà.” Tuy nhiên, như Foer khéo léo chỉ ra, dù điều đó làm nhiều người ủng hộ cốt lõi của ông thất vọng, việc Biden từ chối ngả theo thái độ phẫn nộ của cánh tả đã khiến đảng Cộng hòa “tự làm tổn hại mình khi ông ta đứng sang một bên” và giúp xoay chuyển cuộc bỏ phiếu ở ngoại ô về phía đảng Dân chủ.
Foer dự định bức chân dung tổng thống Biden này là niềm an ủi cho những người từng hoài nghi như ông, nhưng đó là sự an ủi lạnh nhạt. Biden, “kẻ lão luyện có thể,” Foer viết, đã trở thành “hình tượng người cha” của phương Tây, một “người đàn ông ở độ tuổi của mình”. Nhưng vì sao?
Tác giả Foer đóng lại vấn đề ngay từ đầu. Nếu, như tiêu đề cho chúng ta biết, Biden là chính trị gia cuối cùng, có lẽ chúng ta nên bám lấy ông ấy càng lâu càng tốt, dù điều gì có thể xảy ra. Quyền lãnh đạo của thế hệ Boomer là định mệnh: Đây là tương lai được phác họa cho chúng ta qua cuốn sách mỏng manh nhưng nói lên nhiều điều của Foer. Đây có phải là sự thật không thể tránh khỏi trong thời điểm chính trị này, hay chỉ đơn giản là những giới hạn đặt ra do tư duy tự do đang bị sốc?
THE LAST POLITICIAN: Inside Joe Biden’s White House and the Struggle for America’s Future | By Franklin Foer | 414 pp. | Penguin Press | $30
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một tách cà phê (đọc báo) mỗi sáng; chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: