nguồn: New York Times,
biên dịch: Minh Thu,
Trong cuốn Judgement at Tokyo, học giả ngành khoa học chính trị Gary J. Bass nghiên cứu việc truy tố các tội ác tàn bạo của quân đội Nhật Bản sau Thế chiến II và bàn luận về hiệu quả thực sự của luật pháp quốc tế.
Trong thời đại của lối phòng vệ tiêu thổ và san phẳng các bệnh viện bằng bom, viễn cảnh trừng phạt những hành động tàn bạo của các chính phủ dường như quá xa vời. Nhưng nếu căn cứ vào rất nhiều cuốn sách nổi tiếng gần đây ca ngợi tiềm năng của các hiệp ước và tòa án quốc tế trong việc tạo dựng hòa bình lâu dài mà tin vào điều ngược lại, có thể bạn cũng không đáng trách lắm. Một bộ phận lớn những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây đang hoài nghi về những thỏa thuận ngầm để đôi bên cùng có lợi và coi luật pháp quốc tế là phương tiện hứa hẹn nhất để thực hiện lý tưởng của họ về một thế giới công bằng.
Hòa chung dàn đồng ca này là cuốn Judgement at Tokyo của giáo sư chính trị Gary J. Bass tại Đại học Princeton, cuốn sách mĩ miều và toàn diện về việc truy tố tội ác chiến tranh của Nhật Bản sau Thế chiến II. Bass dành phần lớn sự nghiệp để nghiên cứu các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh. Ông cho rằng các phiên tòa này là cách đỡ tồi tệ nhất để nắm bắt và hiểu được một cuộc xung đột. Là một phóng viên trẻ vào những năm 1990, Bass thu được những kinh nghiệm đầu tiên khi tham gia đưa tin về phiên tòa quốc tế xét xử tội ác chiến tranh xảy ra ở Nam Tư. Ông xuất thân từ một thế hệ của những người ủng hộ nhân quyền, được rèn giũa trong thời kỳ nước Mỹ ở đỉnh cao quyền lực, thế hệ vững tin rằng một trật tự thế giới “theo pháp quyền” có thể là điều gì đó có ý nghĩa hơn việc đơn thuần là tấm màn che đậy lợi ích của phương Tây.
Trong cuốn sách mới của mình, Bass quay trở lại thời Mỹ lãnh đạo quân Đồng minh đàm phán các điều khoản với Đức và Nhật Bản bại trận. Trong khi việc truy tố tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã tại các phiên tòa ở Nuremberg vẫn được coi là thành công trong trí tưởng tượng của phương Tây, thì phiên tòa ở Tokyo, mà phần lớn người phương Tây đã lãng quên, lại có sự tham gia của nhiều chính phủ hơn và để lại một di sản gây chia rẽ hơn.
Tất cả những bên có lợi ích quan trọng trong trật tự thời hậu chiến đều tập trung tại phòng xử án: các thẩm phán đến từ Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Anh, Pháp, Hà Lan, Liên Xô, Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines. Bass viết: “Phiên tòa ở Tokyo là một sự kiện chính trị. Nó là giải pháp cho quá khứ thuộc địa của châu Á và là khúc dạo đầu cho cuộc Chiến tranh Lạnh sắp xảy ra.”
Douglas MacArthur, vị tướng mà trên thực tế trở thành nhà độc tài của Nhật Bản khi cuộc chiếm đóng quân sự thời hậu chiến bắt đầu, thành lập phiên tòa năm 1946, chủ yếu để đòi lại công bằng cho Trân Châu Cảng. Ông ngay lập tức phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Một mặt, các đồng minh của Washington ở châu Á – từ Philippines đến Quốc dân Đảng – đều ủng hộ sự trả thù sự tàn bạo lên Nhật Bản vì những gì họ phải gánh chịu trong thập kỷ trước. Mặt khác, trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, người Mỹ lại phải cẩn thận để không trừng phạt Nhật Bản quá nặng: Họ cần Tokyo để chống lại Moscow.
Để vấn đề thêm phức tạp, không giống như ở Đức, nơi thủ phạm chính đã tự sát một cách nhanh gọn, ở Nhật Bản, cựu tướng quân và thủ tướng Hideki Tojo bị một viên đạn xuyên qua ngực nhưng vẫn sống sót, trong khi biểu tượng của sự lãnh đạo tối cao, Thiên Hoàng Hirohito, vẫn còn sống và tất cả đều từ bỏ nỗ lực chiến đấu.
Mỹ hy vọng việc buộc Tojo và phần nhỏ giới tinh hoa quân sự Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về những tội ác tàn bạo như cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937, trong đó binh lính Nhật tàn sát và hãm hiếp hàng chục nghìn thường dân Trung Quốc, sẽ làm giảm bớt sự bất bình trong khu vực đồng thời nâng cao vị thế của Thiên Hoàng Hirohito lên mức đủ để khiến thần dân của ngài chấp nhận một phiên bản của chủ nghĩa tư bản tự do trong phạm vi chấp nhận của nước Mỹ. Nhưng một số thẩm phán phe Đồng minh, bao gồm cả luật gia người Trung Quốc Mai Nhữ Ngao (Mei Ru-ao), lại muốn hạ bệ Thiên hoàng, người mà họ cho là có tội tương đương với giới quân phiệt Nhật Bản.
Không hề cải thiện được vị thế đạo đức của Mỹ, phiên tòa còn khiến nước này chịu nhiều chỉ trích hơn trước dư luận châu Á. Những thường dân sống trong đống đổ nát sau vụ ném bom của Mỹ ở Tokyo phải ăn châu chấu để sống sót. Thiếu tá Ben Bruce Blakeney mạnh mẽ bênh vực quân đội Nhật Bản đến mức hồ sơ thời chiến của chính phe Đồng minh đã trở thành một phần của phiên tòa. Như Blakeney nhấn mạnh khi phát biểu trong phòng xử án, nếu “vụ đánh bom Trân Châu Cảng là một vụ giết người, thì chúng ta đều biết tên của chính kẻ đã thả bom nguyên tử xuống Hiroshima”.
Ngoài ra còn có những câu hỏi bất ngờ khác được đưa ra trong và xung quanh phiên tòa: Phải chăng Công hàm Hull năm 1941, trong đó Ngoại trưởng Cordell Hull đe dọa tiếp tục trừng phạt kinh tế với Nhật Bản vì hành động xâm lược của nước này ở Trung Quốc và Đông Dương, đã châm ngòi cho cuộc tấn công Trân Châu Cảng? Cuộc khảo sát ném bom chiến lược của Mỹ năm 1945, kết luận rằng nhà nước Nhật Bản sắp sụp đổ, có cung cấp bằng chứng cho thấy vũ khí hạt nhân là không cần thiết để kết thúc chiến tranh không?
Mặc dù cuốn sách của Bass không tập trung vào phân tích lịch sử, nhưng nó được viết với sự khoa trương của một nhà báo biết cách tạo nhịp cho câu chuyện. Chúng ta thấy một binh nhì trẻ người Úc đứng trước hội đồng xét xử, cởi cúc áo sơ mi và quay lại để lộ vết thương ở cổ, kết quả của cuộc hành quyết định mệnh bất thành bằng một thanh kiếm Nhật cùn. Chúng ta chứng kiến cảnh sát đón em trai của Tojo ở một ga tàu điện ngầm Osaka, nơi cậu bé túm tụm với những người vô gia cư thời chiến.
Những đoạn kịch tính nhất trong Judgement at Tokyo tập trung vào Radhabinod Pal, thẩm phán Ấn Độ, người cho rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản là phản ứng chính đáng đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân phương Tây ở châu Á trong nhiều thế kỷ. “Chỉ có một cuộc chiến thất bại mới là một tội ác,” Pal cay đắng viết trong bài phản đối dài 1.000 trang của mình khi trích lời tướng Curtis LeMay, kiến trúc sư của màn không kích hủy diệt 67 thành phố của Nhật Bản. Nếu Nhật Bản thắng, ông ta sẽ bị xét xử như tội phạm chiến tranh. LeMay sau đó nói: “May mắn thay, chúng tôi là bên thắng cuộc”.
Tojo và các chỉ huy cấp dưới của mình luôn sẵn sàng đón nhận sự sụp đổ của chế độ quân chủ. Năm 1948, hai năm sau khi phiên tòa bắt đầu, những người bị kết án đã làm bài thơ haiku từ thế và bị treo cổ. (Nhìn xem, hoa anh đào rơi, lặng lẽ thế nào, Tojo viết.) Bản thân Thiên hoàng được tha, và Nhật Bản, theo kế hoạch, trở thành nền dân chủ độc đảng và đồng minh vững chắc của Mỹ.
Tuy nhiên, như Bass nhấn mạnh, đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Có những đám cháy ngầm âm ỉ mà sự chiếm đóng của Mỹ không bao giờ có thể dập tắt được. Thẩm phán Pal trở thành anh hùng không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở Nhật Bản. Một đài tưởng niệm hoành tráng dành cho Pal được dựng lên gần một ngôi đền thờ nạn nhân chiến tranh ở Tokyo.
Bass thất vọng khi thấy luật pháp quốc tế vẫn còn phải đi quãng đường xa thế nào trước khi trở thành bộ quy phạm thực sự phổ quát, khi nhận ra rằng các vụ đánh bom và trục xuất dân thường ở Gaza, Armenia và Ukraina diễn ra gần đây khó mà giải quyết được bằng công lý quốc tế thay vì thương lượng giữa các bên. Bass lưu ý: “Trong suốt phiên tòa ở Tokyo, quân Đồng minh liên tục khẳng định những nguyên tắc mới này của luật pháp quốc tế cũng sẽ được áp dụng cho chính họ”. Tuy nhiên, như Bass viết, chưa từng có quan chức cấp cao nào của Mỹ bị xét xử vì các cuộc chiến tranh tàn bạo can thiệp vào Việt Nam, Campuchia, Iraq và Afghanistan. Năm 2002, Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là “Đạo luật Xâm lược Hague”, cho phép sử dụng lực lượng quân sự để giải thoát bất kỳ quân nhân Mỹ nào bị Tòa án Hình sự Quốc tế giam giữ.
Dù nhận ra vẻ đạo đức giả ấy, Bass vẫn tin vào lý tưởng. Tuy vậy, niềm tin này khó có thể thành hiện thực như tác giả tỏ ra hy vọng. Trong nhiều thập kỷ, luật pháp quốc tế không hề làm được vai trò của một chiếc phanh đối với sức mạnh Mỹ mà lại trở thành món hàng có giá trị trong kho vũ khí của nước này: Các tòa án tội phạm chiến tranh quốc tế tạo ra vỏ bọc “người gìn giữ công lý phổ quát” để nước Mỹ thuận tiện đạt được mục đích. Mỗi khi cụm từ “cộng đồng quốc tế” và “Mỹ cùng các đồng minh” vang lên, chúng ta lại có thể nghe thấy tiếng động cơ kêu ro ro vì phải làm thêm giờ của bộ máy luật pháp quốc tế.
Phẩm chất thượng tôn công bằng của luật pháp quốc tế đã mất hết sức mạnh khi một người có khả năng phán đoán tốt như Bass lại có thể nghiên cứu kỹ đến vậy mà không thảo luận một cách thỏa đáng về bản chất nghịch lý của một trật tự do Mỹ lãnh đạo. Tuyên bố rằng bạn đứng về phía “nhân văn và lẽ phải” khiến việc làm hòa với những kẻ thù ngoan cố cũng mang hình dáng con người trở nên khó khăn hơn. Những người ủng hộ luật pháp quốc tế có lẽ nên nhanh tay tuyên bố các tựa sách tương tự của mình trong tương lai, kẻo có người dùng mất: “Phán quyết tại Moscow”, “Phán quyết tại Tehran”, “Phán quyết tại Bắc Kinh”.
JUDGMENT AT TOKYO: World War II on Trial and the Making of Modern Asia | By Gary J. Bass | Knopf | 892 pp. | $46
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Bài trước: Có phải CIA đã giết Patrice Lumumba?
Chia sẻ: