nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Hẳn là chưa đến lúc, Kelly và Zach Weinersmith tranh luận như vậy trong cuốn “A City on Mars” (“Thành phố trên Hỏa tinh”).
Hãy đối mặt với điều này, hỡi con người. Trái đất đã tận số. Nó đã nóng lên quá mức, chật chội quá mức, nặng gánh vì các quy chế quy định quá mức. Đó là ngôi nhà phải sửa chữa nhiều nhất, một bãi rác chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ mà chúng ta sẽ là những kẻ nhẫn tâm nếu để lại cho con cháu mình. Đã đến lúc thu dọn đồ đạc. Đã đến lúc tiến lên sao Hỏa.
Hoặc có thể là chưa.
Mau chóng chạy trốn đến hệ mặt trời là sự tưởng tượng thú vị, song cuốn “A City on Mars”, tác phẩm mới rất đặc sắc về khoa học phổ thông của các tác giả đã viết cuốn “Soonish” (“Sớm thôi”) Kelly và Zach Weinersmith, đề xuất rằng chúng ta không nên rời bỏ Trái đất mau chóng đến thế. Đầy sức thuyết phục, hấp dẫn và hài hước, cuốn sách này là bài kiểm tra thực tế cần thiết cho bất kỳ ai từng tìm kiếm một ngôi nhà trên bầu trời đêm.
“A City on Mars” phân loại các lập luận ủng hộ việc thuộc địa hóa ngay lập tức thành hai phạm trù. Phạm trù thứ nhất là ý tưởng cao cả rằng nhân loại phải tản ra các hành tinh khác “trước khi nền văn minh sụp đổ”, như Elon Musk nói với Walter Isaacson. Phạm trù thứ hai là “lập luận ‘nói có sách mách có chứng’”: Du hành vào không gian rất đáng đồng tiền bát gạo vì việc đó thật tuyệt.
Các tác giả triệt phá luận thuyết thứ nhất một cách tài tình. Tự nhận mình là “những kẻ đam mê khoa học”, vợ chồng nhà Weinersmith bắt tay vào cuốn sách này với hy vọng viết nên “một lộ trình xã hội học” dành cho công cuộc xây dựng các thuộc địa trên vũ trụ trong tương lai gần. Song khi đi sâu vào nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng những người ủng hộ nhiệt liệt nhất cho việc định cư trong không gian bị lóa mắt bởi vẻ đẹp của những phương tiện di chuyển có động cơ tên lửa đến nỗi họ gạt phăng sang một bên “những thứ tạo nên cuộc sống bình thường” như ăn uống và sinh đẻ, dân chủ và luật pháp. Vấn đề quan trọng nhất, theo miêu tả của vợ chồng Weinersmith, là “Không gian vũ trụ thật khủng khiếp. Toàn bộ không gian ấy. Thật khủng khiếp”, họ viết thêm:
Mặt trăng không chỉ là một loại sa mạc Sahara xám xịt không có không khí. Bề mặt của nó được cấu tạo từ tinh thể kính và đá lởm chởm tích điện, chúng bám dính vào những bộ quần áo chịu lực và các phương tiện hạ cánh. Sao Hỏa cũng vậy, nó không chỉ là một Thung lũng Chết trong vũ trụ – đất trên đó chứa đầy những hóa chất độc hại, và bầu khí quyển carbon mỏng của nó gây ra những cơn bão bụi khắp thế giới khiến mặt trời bị mờ mịt hàng tuần lễ mỗi lần. Và những hành tinh đó lại là những nơi đủ điều kiện để hạ cánh.
Họ thừa nhận rằng có lẽ cũng đáng bỏ qua sự khủng khiếp đó của không gian vũ trụ nếu nền văn minh quả thực sắp sụp đổ đến nơi. Nhưng hiện thời nó đâu có sắp sụp. Sống trên trái đất thật gian nan. Muôn đời vẫn thế. Song chẳng có một vấn đề nào của nhân loại mà lại có thể giải quyết được bằng cách chuyển đến một nơi không có thức ăn, nước uống hay không khí. Theo như vợ chồng Weinersmiths viết thì “Một trái đất với sự biến đổi khí hậu và chiến tranh hạt nhân và, những thứ kiểu như thây ma sống và người sói vẫn cứ là nơi tốt đẹp hơn rất nhiều so với sao Hỏa”.
Thế còn lập luận ‘nói có sách mách có chứng’ thì sao? Vợ chồng Weinersmith lập luận rằng tình trạng luật vũ trụ hiện tại đồng nghĩa với việc một cuộc tranh giành không ai kiểm soát để giành lấy nguồn tài nguyên ngày càng ít ỏi của mặt trăng và sao Hỏa sẽ khiến chiến tranh trên trái đất có nhiều khả năng xảy ra hơn. Sự hiện diện trên vũ trụ của chúng ta càng lớn thì càng dễ dàng cho một tên khủng bố hoặc một tỷ phú bất bình phóng một tiểu hành tinh vào Trái đất và quét sạch các loài mà chúng ta đang cố gắng cứu trên lý thuyết.
“Chúng ta càng có nhiều khả năng làm những thứ trong không gian hơn,” họ viết, “thì chúng ta càng có nhiều khả năng tự diệt vong hơn”.
Những tư tưởng u ám như thế được làm dịu bớt bởi sự dí dỏm: “A City on Mars” có tính vui nhộn. Lối hành văn khoáng hoạt được điểm thêm những bức tranh hoạt hình hấp dẫn minh họa tất cả mọi thứ, từ bộ quần áo cho cặp đôi sinh hoạt tình dục trong môi trường không trọng lực cho đến “thiết bị đi tiểu” kỳ lạ các kỹ sư NASA thiết kế cho các nữ phi hành gia mà dường như không tham vấn bất kỳ một người phụ nữ nào. Có những phần như “Trở nên kỳ lạ tại điểm Lagrange, hoặc, Bạn có thể làm được điều đó trên vũ trụ không?” và “Làm thế nào để sinh em bé trên vũ trụ mà không cần kết hôn với người anh họ trên vũ trụ của bạn”, có một chương về những cái tên hài hước của các phi hành gia, và nguyên một đoạn về “lunarcrete” – một loại vật liệu xây dựng trên lý thuyết được tạo ra bằng cách trộn đất sao Hỏa với máu người.
Song phần lớn cuốn sách được dành cho những câu hỏi thực tế và hấp dẫn về sự thuộc địa hóa. Có những câu chuyện lịch sử về ngành tên lửa, luật vũ trụ, quảng cáo trên thiên hà. Chúng ta biết được cách xây dựng một thuộc địa trên quỹ đạo như thế nào, vì sao các ống dung nham khô cạn lại là bất động sản hạng nhất trên sao Hỏa, và mô hình các thị trấn do một công ty sở hữu là một ý tưởng tồi nếu ban quản lý kiểm soát thực phẩm, nước, ánh sáng và không khí của lực lượng lao động trong thị trấn.
Từ đầu đến cuối cuốn sách, vợ chồng Weinersmith luôn ủng hộ phương thức thuộc địa hóa mà họ gọi là “hãy chờ đợi và chơi lớn”. Hãy tài trợ cho hàng trăm cuộc thử nghiệm mô phỏng sinh quyển trên Trái đất để tìm hiểu về khả năng tồn tại được của con người trong môi trường sống khép kín. Hãy thực hiện các nghiên cứu có hệ thống về quá trình sinh sản của động vật trên quỹ đạo để chúng ta có thể biết được liệu con người mang thai ở ngoài Trái đất có an toàn hay không. Hãy đổi mới luật vũ trụ và thành lập một cơ quan quản lý để đảm bảo vũ trụ được trân trọng giữ gìn như Nam Cực, không bị tàn phá như Amazon. Sau khi cơ cấu tổ chức đã đâu vào đấy, hãy đưa hàng trăm ngàn dân đi định cư cùng một lúc – đủ để thiết lập một nền văn minh thực sự. Đủ để tăng trưởng mạnh.
Trong khi chờ đợi, hãy quý trọng những gì chúng ta đang có. “Trái đất chẳng phải nơi hoàn hảo,” vợ chồng Weinersmith viết, “song nó là hành tinh khá tốt đẹp.” Cuốn sách này sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc khi được sống trên hành tinh này – là điều thật may mắn, bởi vì bạn sẽ không rời khỏi nơi này sớm đến thế đâu.
A CITY ON MARS: Can We Settle Space, Should We Settle Space, and Have We Really Thought This Through?
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: