nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn “The Story of Art Without Men” (“Câu chuyện mỹ thuật thiếu vắng đàn ông”) của Katy Hessel là hợp tuyển về các nữ nghệ sĩ từ những năm 1500 cho đến ngày nay.
Georgia O'Keeffe có lần từng nói: “Đàn ông đánh giá tôi là nữ họa sĩ tài năng nhất. Tôi cho rằng tôi là một trong những họa sĩ tài năng nhất.” Câu nói nổi tiếng đó của nữ họa sĩ trường phái hiện đại Mỹ là đề từ cho Phần 2 cuốn sách đầu tay rất bao quát “The Story of Art Without Men” của Katy Hessel, nhà báo chuyên mục của tờ Guardian. “Đàn bà làm nghệ sĩ không phải là một xu hướng,” Hessel khẳng định; thế nhưng vẫn tồn tại một típ nữ nghệ sĩ gây tranh cãi, không phải là một sự tương phản có ý nghĩa mà đúng hơn là hậu quả của chế độ phụ hệ, một típ nữ nghệ sĩ luôn bị thế giới nghệ thuật do nam giới thống trị hạ thấp giá trị, theo lời O'Keeffe.
Vừa là thể loại xét lại lịch sử, vừa là loại sách có tranh ảnh để trưng bày, vừa là bức chân dung tập thể, vừa là săn lùng kho báu lưu trữ, cuốn chuyên khảo của Hessel bao quát từ giai đoạn những năm 1500 cho đến nay với nỗ lực hiện thực hóa trọn vẹn tiêu đề của nó. Song bất chấp những nỗ lực hết mình của cô, đàn ông vẫn không thể đừng xuất hiện xuyên suốt cuốn sách này với tư cách là những ông chồng giàu có, những gã bạn trai bạo hành, những người cha nghệ sĩ, những đứa con trai túng thiếu, những họa sĩ khao khát nàng thơ, những thể chế và thậm chí là cả cái nhìn chằm chằm của đấng nam nhân tối cao: Đức Chúa trời.
Trong cuốn sách 500 trang này, Hessel – người có tài khoản Instagram @thegreatwomenartists được dẫn nguồn như một phần khởi nguồn của cuốn sách – khéo léo giới thiệu cho chúng ta bức tranh tổng hợp về các họa sĩ, từ những người nổi tiếng như Artemisia Gentileschi, Frida Kahlo, Hilma af Klint, Tracey Emin và Kara Walker cho đến những người ít nổi tiếng hơn như Elisabetta Sirani, Marie Denise Villers và Lady Butler, và thậm chí còn chỉ ra vô số những cái tên mà có lẽ chúng ta chưa từng nghe đến.
Kết cấu của cuốn sách theo trình tự thời gian và giống bản tóm tắt cho phép tạo ra vô số những “người đầu tiên”: Lavinia Fontana “được coi là một trong những phụ nữ đầu tiên của nền hôi họa phương Tây vẽ tranh đàn bà khỏa thân”, từ năm 1595; Alma Thomas là “người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giành được một cuộc triển lãm cá nhân tại Viện bảo tàng Whitney” năm 1972; “A Lesbian Show” (“Cuộc triển lãm của giới đồng tính nữ”) là “cuộc triển lãm nghệ thuật gồm toàn nghệ sĩ đồng tính nữ đầu tiên ở Mỹ” diễn ra tại Thành phố New York năm 1978; Aurora Reyes Flores họa sĩ người Mexico ở thế kỷ 20 được coi là “nữ họa sĩ bích họa đầu tiên”, v.v…. Kết quả là một phối cảnh hấp dẫn nhưng bị cắt xén một cách tất yếu. Do hình thức kể chuyện và sự tập trung vào hình tượng biểu trưng, dòng sự kiện của Hessel làm lu mờ đi cả hai yếu tố: bối cảnh lịch sử chính trị gây ra việc loại trừ phụ nữ khỏi danh sách kinh điển và khả năng đấu tranh chống lại nó.
Độc giả mà Hessel nhằm đến là “bất kỳ ai ở bất kỳ trình độ lịch sử mỹ thuật nào thích thú tìm hiểu câu chuyện về những nghệ sĩ gần như bị lấn át này”. Vậy nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi cuộc khảo sát của cô – gồm khoảng 300 hình ảnh, bảng chú giải thuật ngữ lịch sử mỹ thuật và bảng sắp xếp theo niên đại dài sáu trang về các nghệ sĩ từ Thời kỳ Hoàng kim của Hà Lan đến thời Phục hưng của Harlem cho đến ngày nay – thiên về tính toàn cầu hơn là địa phương.
Ngay từ đầu cuốn sách, Hessel cảnh báo “đây không phải là câu chuyện lịch sử chính xác – điều đó sẽ là nhiệm vụ bất khả thi”, và thừa nhận những thách thức trong lối tiếp cận sơ lược của cô: những phức tạp của việc làm cho những cá nhân khớp với các trào lưu mỹ thuật đã được công nhận; những vấn đề nhạy cảm xung quanh phạm trù “các nữ nghệ sĩ” gây nhiều tranh cãi, cái phạm trù đối với Hessel không còn là một từ ngữ “không xứng” mà là “hiện thân của quyền lực”; và tình trạng không ngừng tiến hóa của những cá nhân xuất chúng này ở thời hiện tại và tương lai của chúng ta.
Song mặc dù bảng liệt kê những tên tuổi ấy của cô thành công trong việc cho người đọc câu trả lời nào đó cho câu hỏi được đặt ra trong bài luận mang tính tiên phong của Linda Nochlin hồi năm 1971 “Why Have There Been No Great Women Artists?” (“Vì sao chưa từng có những nữ nghệ sĩ vĩ đại?”, Hessel giải đáp được ít hơn Nochlin đã giải đáp, từ 50 năm trước, hầu làm đảo ngược lại lời lẽ của chính câu hỏi đó. Việc đưa phụ nữ vào danh sách kinh điển lịch sử mỹ thuật có thể làm gián đoạn chính hệ thống phong thánh đó không? Vì sao Hessel lại dựa vào các phương pháp tổ chức lưu trữ giống hệt nhau – lịch sử theo thứ tự niên đại, thị hiếu dựa trên thị trường, ranh giới của các thể loại riêng biệt – những phương pháp đã góp phần tạo nên chính sự loại trừ phụ nữ đó? Thay vì thế, cái thực tế là phụ nữ hiện diện trong danh sách đó có thể đập tan những giả định về vị trí của mỹ thuật trên thế giới như thế nào?
Một chương đặc biệt nhiều cảm xúc của cuốn sách là “Cơ thể con người trong nghệ thuật điêu khắc”mở ra một câu trả lời. Ở chương này Hessel khảo sát tác phẩm điêu khắc giữa thế kỷ 20 của Eva Hesse, tự thân nó là “khó mô tả”, và nghệ thuật trình diễn của Yoko Ono (“thể loại được định nghĩa bằng sự sẵn sàng mạo hiểm”), cũng như sự giao thoa của những nghệ thuật này với những phẩm chất tốt đẹp và sự nghịch dị của cơ thể, đồng thời tạo bối cảnh cho làn sóng thứ hai của chủ nghĩa nữ quyền tập trung vào bạo lực tình dục và chính sách về quyền sinh sản.
Hessel đặt câu hỏi: “Bằng quyền năng của nghệ thuật, làm cách nào bạn có thể khiến mọi người cảm nhận được cảm giác từ trong gan ruột của một cơ thể đã bị tổn thương hoặc được nghiên cứu kỹ lưỡng, được lý tưởng hóa hoặc được tạo hình bằng những vết sẹo của những câu chuyện lịch sử hầu như không thể hiểu được?”
Hessel cũng nhấn mạnh bao nhiêu người trong số các nghệ sĩ trong cuốn “The Story of Art Without Men” đã bị từ chối quyền được học hành, được nhận tài trợ, được trưng bày trong các gallery, được giới truyền thông chú ý, được công nhận và thậm chí là được tham gia vào đời hoạt động xã hội. Họ đã chết trong nghèo khó, suy sụp, bị đưa vào cơ sở từ thiện hoặc đơn giản là không được ai biết đến. Không cuốn sách nào có thể sửa chữa được những bất công đó – mà lại càng không phải là cuốn sách cứ mải quan tâm đến việc lập bảng liệt kê và quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội, thay vì quan tâm đến sự phản biện xã hội rộng rãi hơn và nóng bỏng hơn.
THE STORY OF ART WITHOUT MEN | By Katy Hessel | Illustrated | 459 pp. | W.W. Norton & Company | $45
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: