Một trận chiến quyết liệt [Battle Royale] nữa trong Cuộc chiến Windsor

7 12 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

Một trận chiến quyết liệt [Battle Royale] nữa trong Cuộc chiến Windsor

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Endgame” (“Cuộc cờ tàn”), nhà viết tiểu sử đầy thiện cảm với Harry và Meghan là Omid Scobie đã đối đầu với phía nhà chồng – và cực kỳ quyết liệt.

Mở đầu cuốn “Endgame”, nhà báo và phóng viên chuyên bình luận về hoàng gia Omid Scobie đưa ra hứa hẹn hấp dẫn.

“Trước kia, cũng như ai khác, tôi dè chừng khi tiết lộ một số sự thật ám muội hơn trong bản chất thể chế của chế độ quân chủ Anh”, anh ta viết. “Một phần của cuốn sách này sẽ khiến tôi vĩnh viễn không còn đường lui. Nhưng để kể toàn bộ câu chuyện, thì không thể dè chừng. Không dè chừng được nữa. Chúng ta đang vào lúc cuộc cờ tàn.”

Tuy vậy, những độc giả hy vọng vào một đòn chí mạng cuối cùng của tin tức vỉa hè thì sẽ thất vọng. Trước đây chúng ta không ít lần nghe nói về điều đó. Từ Fergie, từ Diana, từ Charles, từ Harry, từ Harry, từ Harry, lại lần nữa từ Harry.


Scobie sống và làm việc tại London, cuốn sách năm 2020 mà anh ta viết chung với Carolyn Durand có tựa đề “Finding Freedom: Harry and Meghan and the Making of a Modern Royal Family” (“Đi tìm tự do: Harry và Meghan và những yếu tố cấu thành một gia đình hoàng gia hiện đại”) cho ta câu chuyện đầy thiện cảm về cuộc rời bỏ Windsor của đôi vợ chồng này, khiến anh ta được mệnh danh là “cái loa của nhà Sussex”. Đó là danh hiệu anh ta kịch liệt bác bỏ (dù sau đó người ta xác nhận rằng Meghan cho phép một phụ tá chỉ dẫn tường tận cho Scobie và Durand về cuốn sách của họ).

Ở cuốn sách này, Scobie mở đầu bằng sự kiện Nữ vương Elizabeth II băng hà, đặt ra câu hỏi liệu đứa con trai cả kém may mắn của nữ vương và những người thừa kế của ông ta có đủ năng lực cần thiết để điều hành công việc gia đình hay không. Cuốn sách của anh ta trình bày quan điểm phê phán về những âm mưu trong hoàng cung và những đối thủ chính có liên quan, đồng thời suy ngẫm liệu chế độ quân chủ có nên cân nhắc việc “lùi lại và quan sát bức màn từ từ khép lại” trên lịch sử hàng nghìn năm của nước Anh hay không.

“Vô cảm, phân biệt chủng tộc và liều lĩnh về mặt tài chính” là ba cáo buộc nhằm vào chế độ quân chủ này, “nhưng khi Nữ vương Elizabeth II còn chèo lái, bà đã xoay xở để tránh xa điều đó”, anh ta viết.

Trong suốt những năm trị vì đằng đẵng của mình, vị nữ vương này đã giành được mức độ thiện cảm nhất định cho bản thân mình và cho “Thể chế đó”, phần lớn là vì sự trầm lặng và tính bí ẩn của bà được coi là khá tôn nghiêm cao quý.

Với buổi bình minh của “Kỷ nguyên Carolus ” đang đến với chúng ta (trong trường hợp Vua Charles III, cũng có thể là buổi hoàng hôn của nó), Scobie cảnh báo Vương tộc Windsor phải tự kiểm soát cảm xúc hoặc đối mặt với sự tuyệt chủng ở một Anh quốc mà may nhất là bị thờ ơ và tệ nhất là bị xúc phạm bởi quan niệm về quyền lực được thừa kế. Scobie viện dẫn tỷ lệ tán thành đang giảm (xuống còn 47% sau khi cuốn "Spare" (“Dự bị”) của Hoàng tử Harry được xuất bản) và vài kẻ phản đối phất vẫy những tấm biển "Không phải vua của tôi" tại các buổi giao lưu với công chúng của Charles.

Hẳn là thế, nhưng hãy thử nhớ lại thời điểm Charles bị ghi âm lén khi đang nói rằng ông muốn biến thành chiếc tampon của Camilla (câu chuyện mà Scobie bằng cách nào đó cố gắng kiềm chế để không đề cập đến trong năm trang đầu tiên của cuốn sách), hoặc hậu quả từ cái chết của Diana, và chẳng khó gì để nhận thấy những dự đoán thảm khốc của Scobie có hơi cường điệu một chút. Ngày nay, những cuốn tiểu sử tiết lộ những chi tiết riêng tư trần trụi dường như là phần không thể thiếu của thương hiệu Windsor chẳng khác gì những đám cưới, những lễ kỷ niệm và những đám tang được công chúng vô cùng hâm mộ.

Và quan điểm của Scobie không khác mấy so với những gì Harry trình bày trong cuốn “Spare”, hay những gì Charles kể cho chúng ta cách đây 30 năm có lẻ trong câu chuyện buồn tràng giang đại hải đã được ủy quyền của chính ông: “The Prince of Wales: A Biography” (“Hoàng tử xứ Wales: Thân thế và sự nghiệp”).

Vị vua mới bị chỉ trích tơi bời ở đây. Theo lời kể của Scobie, Charles “thường ghen tị” với sự nổi tiếng của các con trai mình và để cho những sự ghen tị nhỏ nhặt của chính mình cản trở việc tận dụng quyền lực của ngôi sao khi quyền lực ấy đến tay: “Sự kém cỏi của ông ta xung quanh câu chuyện về Harry và Meghan thực sự biến cặp vợ chồng này thành những kẻ gây rối mà ngay từ đầu họ đã lo ngại sẽ trở thành.”

Rồi đến vấn đề về chủng tộc và “thành kiến vô thức”, mượn cách diễn đạt thận trọng của Harry. Ở đây, Scobie nhìn thấy rõ một cơ hội cho sự phát triển và vai trò lãnh đạo văn hóa. Thế còn thái độ của hoàng gia thì sao? “Thiển cận là thái độ tốt nhất, tệ nhất là cố tình phớt lờ vấn đề đó đi.”

Bất kỳ ai thậm chí chỉ ngẫu nhiên quan tâm đến chuyện ồn ào của hoàng tộc Windsor cũng sẽ quen thuộc với những miêu tả của Scobie về mối quan hệ ký sinh tương hỗ của Hoàng tộc này với báo chí. Đó là cơ chế mà trong đó cận thần đề cao các ông chủ hoàng gia của họ bằng cách cung cấp thông tin tiêu cực, rò rỉ thông tin và nặc danh tìm nguồn tin chống lại lẫn nhau trong cuộc mưu cầu thiện ý của công chúng. Cha chống lại con, anh em chống lại nhau, công nương này chống lại công nương kia.

Nhịp độ của cuốn sách được đẩy nhanh khi Scobie liên quan đến kiểu tin đồn nhảm trên báo lá cải mà anh ta khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi vì muốn đọc, chẳng hạn như Hoàng tử William bị tung tin đồn ngoại tình với Nữ hầu tước xứ Cholmondeley (một tin đồn mà anh ta chẳng làm gì mấy để bác bỏ).

Scobie tiết lộ rằng một phụ tá của Cung điện Kensington đã cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của anh ta để chuyển hướng tờ The Sun khỏi vụ ngoại tình đó bằng cách cung cấp những đoạn trích từ cuốn “Finding Freedom”. Scobie viết: “Tôi chẳng có chút hứng thú nào mà cộng tác với tờ báo lá cải đó”.

Phần lớn cuốn sách mới của Scobie được dành cho việc cung cấp những sự kiện thực tế để hiệu chỉnh sự hiểu lầm về những hành vi coi thường nhỏ nhặt đối với vợ chồng công tước xứ Sussex: chính xác ai đã làm ai khóc trong một buổi thử váy; tiêu chuẩn kép áp dụng cho các cô dâu hoàng gia khó chiều đang vẩy nước thơm làm tươi mát không khí. Hãy để ghi chép đó cho thấy “khi Kate làm Tu viện Westminster tràn đầy hương thơm thương hiệu Jo Malone cho đám cưới của nàng, Tu viện trở nên 'thơm ngát'".

Lại nói về Kate, nàng chẳng hay ho gì trong “Finding Freedom” và ở cuốn này cũng vậy. Scobie gián tiếp cáo buộc nàng vương phi – được trình diện như một người lạnh lùng và thiếu tự tin – đã bắt chước phong cách ăn mặc hấp dẫn tự nhiên của Meghan. Và anh ta lưu ý rằng dự án ảnh chụp thời phong tỏa Covid-19 có tên Hold Still của Kate "gợi nhớ" đến cuốn sách nấu ăn "Together" ra mắt năm 2018 của Meghan, dự án mà Meghan thực hiện cùng với những người sống sót sau trận hỏa hoạn Grenfell. Các tờ báo lá cải đã bị buộc tội một cách chính đáng khi thêu dệt câu chuyện cô dâu hoàng gia này chống lại cô dâu hoàng gia kia, và vì vậy thật chối tai khi Scobie, người mà giọng văn từ đầu đến cuối thuộc nền tảng đạo đức cao, cũng sử dụng chiến thuật tương tự.

Tuy thế, anh ta cũng tặng lời khen ngợi cho Kate (người mà, theo lưu ý của Scobie, thực sự thích cái biệt danh đó) vì cuối cùng đã cảm thấy thoải mái hơn với vai trò của mình. Rốt cuộc, anh ta biết có một Kate đích thực ở đó bởi vì anh ta từng chứng kiến nàng rơi vào “trận cười thầm khúc khích” khi nhìn thấy con tê giác đang ị trong “chuyến đi ngắn quan sát động vật hoang dã” ở Ấn Độ. Khó có thể nói đây là nỗ lực yếu ớt nhằm nhân đạo hóa hay cách khéo léo để cho chúng ta biết rằng anh ta, Scobie, là phóng viên duy nhất được mời đi cùng.

Cho dù có hay không việc Scobie tích cực hợp tác với Meghan và Harry vì cuốn sách này, anh ta cũng chẳng giúp ích gì cho họ. Chương viết về họ nghe như một thông cáo báo chí do ChatGPT bịa ra và chẳng làm sáng tỏ được mấy nỗi về họ như những con người. Anh ta nói rằng cặp vợ chồng ấy – những người thường tập trung vào việc đưa tin về chính bản thân họ – giờ đây vẫn là những người vô tư lự cực kỳ sung sướng. Chương tiếp theo về Harry ngoài những thứ khác ra sẽ tập trung vào những nỗ lực từ thiện trong “không gian quân sự”, trong khi Meghan (và ở đây Scobie trích dẫn một nguồn tin nặc danh) đang “xây dựng 'thứ gì đó dễ tiếp cận hơn… thứ gì đó bắt nguồn từ tình yêu của cô đối với những thứ nhỏ bé, việc tổ chức, sắp xếp và trình bày, việc dẫn chương trình, những niềm vui đơn giản trong cuộc sống, và gia đình'”.

Scobie định nghĩa từ “endgame” là “giai đoạn cuối của một ván cờ sau khi hầu hết các quân cờ đã bị loại khỏi bàn cờ”. Anh ta nhấn mạnh nếu Charles và những người thừa kế ngai vàng của ông không nhanh chóng bắt tay vào hành động thì họ có nguy cơ đánh mất vương miện hoặc chí ít là bất kỳ sự liên quan văn hóa nào còn lại. Nhưng ở đây có một nghịch lý: Chừng nào người ta còn mua những cuốn sách như của Scobie, chừng đó họ vẫn đang mua toàn bộ cung cách tệ hại đó.

ENDGAME: Inside the Royal Family and the Monarchy’s Fight for Survival | By Omid Scobie | Dey Street | 403 pp. | $32

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: