nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn “Penning Poison” (“Ngòi bút độc địa”) của Emily Cockayne, câu chuyện lịch sử về những bức thư nặc danh, khám phá những cách mà chúng ta đã và đang dùng để tra tấn lẫn nhau, bằng lời nói, trong nhiều thế kỷ.
Lâu lắm rồi, trong một khoảnh khắc bất bình của tuổi trẻ, tôi tình cờ bắt gặp một bài viết dạng liệt kê sơ bộ trên web mà giờ đây đã bị lãng quên, nó khuyên người đọc cách đối phó với cảm giác căm ghét.
Bên cạnh những lời khuyên sáo rỗng có thể đoán trước – nhìn xa hơn, tự vấn nội tâm, chạy bộ – tác giả gợi ý gửi một món quà xa xỉ, nặc danh. Hiển nhiên là không thể căm ghét một người mà bạn tặng món quà hào phóng đến thế.
Lời khuyên này thật kỳ cục, chưa kể là tốn kém và mất thời gian, đến mức một phần trong tôi muốn làm theo tức thì. Tôi tưởng tượng cảnh làm choáng ngợp những kẻ bình luận ác khẩu trên mạng bằng những bó hoa theo mùa và những hộp trái cây loại cam quýt được đóng gói cực kỳ đẹp đẽ. Có thể là bánh xà phòng đẹp – loại xà phòng hình khối lập phương, điểm hoa oải hương lấm tấm và toát lên vẻ sang trọng trong sự mộc mạc. Lời khuyên này cũng có chỗ hay của nó: Thậm chí ý nghĩ xâm nhập vào cuộc sống của người nhận bằng hình thức hữu hình như vậy cũng cho tôi ảo tưởng kỳ lạ về quyền lực.
“Sự nặc danh sinh ra cách hành xử không kiềm chế,” Emily Cockayne viết trong cuốn “Penning Poison”, công trình khảo sát sinh động về thủ đoạn gửi những bức thư nặc danh “với mục đích, hoặc mục đích biểu kiến, khiến người nhận được chúng phải bối rối lo lắng”. Tác giả cuốn sách này, nhà sử học có tác phẩm trước cuốn này tập trung vào những người láng giềng và mùi hôi thối (trong số những vấn đề khác), hiển nhiên có đủ năng lực để khám phá hiện tượng này, làm sáng tỏ động lực có tính cộng đồng ngay cả khi những hận thù cá nhân của những kẻ gửi thư vẫn còn là điều gì đó bí ẩn.
Chẳng hạn như, năm 1894, điều gì có thể thúc đẩy một người nào đó ám chỉ qua bức thư nặc danh rằng một người mẹ đau buồn sắp sửa chôn sống con trai mình, một cha phó xứ đã chết đứ đừ? Bức thư đó – mà với nó tác giả mở ra câu chuyện trải dài theo dòng lịch sử – kết hợp một số đặc điểm chung của thể loại này: Nó bí hiểm, nó nham hiểm và nó liên quan đến một giáo sĩ. (Chúng ta biết được rằng những kẻ được gọi là nhà văn ngòi-bút-độc-địa ở Anh trong khoảng thời gian từ 1760 đến 1939 bị ám ảnh bởi các cha xứ.)
Cockayne kết thúc công trình nghiên cứu thấu đáo của mình ở chỗ đó vì một vài lý do – một phần vì công nghệ hiện đại thực sự khiến thể loại ngòi-bút-độc-địa trở nên lỗi thời; phần nữa để tránh xúc phạm những người viết thư vượt qua được công nghệ đó (hoặc, như người ta có thể nghĩ, là để tránh kích động họ khởi kiện). Chẳng cần phải nói rằng nó cũng miễn cho người viết và người đọc khỏi phải làm cái việc bất khả thi là lội qua vũng lầy không đáy của thứ nọc độc kỹ thuật số.
Ngay cả khi bị giới hạn trong thời đại sử dụng mực và giấy, đây vẫn là một chủ đề sâu rộng, và – vì thực tế không phải ai cũng nâng niu những nỗ lực tống tiền như báu vật gia truyền của gia đình – là một chủ đề đòi hỏi phải có một biện pháp đào xới bằng học thuật không hề nhỏ. Nhưng quy mô mẫu của chị đủ lớn để cung cấp cho độc giả phép phân loại sơ bộ, bằng cách chia chủ đề thành các danh mục như “Những mối đe dọa”, “Lời lẽ tục tĩu”, “Phỉ báng” và “Những dấu hiệu cảnh báo”.
Những người viết thư trong cuốn sách của Cockayne được xếp theo tầng lớp và nghề nghiệp; có những kỹ sư dâm dục và những góa phụ của những kẻ thuyền chài. Một tấm thiệp nặc danh ngày lễ tình nhân hơi rùng rợn đi kèm với “lời đe dọa chết chóc rất lịch sự”. Những người nhận thư bị buộc tội thiếu suy xét về mặt nghề nghiệp, đủ những bí mật đen tối về mặt tài chính để tạo nên một tiểu thuyết saga kiểu Trollope và cả những chuyện tình ái như một lẽ tất nhiên.
“Bằng cách nào đó,” Cockayne viết, “hầu hết bức thư độc địa nặc danh đều liên quan đến danh tiếng.”
Những chủ đề cố định được nhắc đi nhắc lại. Những kẻ giết người hàng loạt có truyền thống coi những lời chế nhạo không ký tên là một phương tiện truyền đạt tất nhiên, những kẻ bắt chước chúng cũng vậy. Có sự ái vật của cha xứ được nhắc đến bên trên. (Bản thân một cha xứ đầu thế kỷ 19 là người-viết-độc-địa, chưa kể là kẻ cố ý gây hỏa hoạn.)
Hồi đó cũng như bây giờ, những người cảm thấy bất lực giả bộ là những kẻ vênh vang và nhắm vào các nhân vật danh tiếng (thường là cha xứ). Tác giả nhận thấy có vẻ như việc có thể quan sát các phản ứng cũng đáng để chịu rủi ro bị vạch mặt. Đâu đâu cũng có sự tức giận, hoang tưởng, cô đơn.
Thời kỳ cuối triều đại các vua George và đầu triều đại Victoria có thể được gọi là thời kỳ hoàng kim của loại thư ngòi-bút-độc-địa, vì “nỗi ám ảnh về sự riêng tư, bí mật và sự phát giác tạo ra vườn ươm tự nhiên cho những bức thư nặc danh và sự lạm dụng thông tin độc hại của chúng. Những khái niệm về danh dự đều ẩn chứa bí mật trong sâu thẳm; vùng thân mật và tin cậy chỉ có thể được tạo ra và duy trì bằng cách kiểm soát chặt chẽ thông tin cá nhân”.
Một số vụ đủ nghiêm trọng để thu hút sự chú ý của cảnh sát – và đủ dung tục để thu hút báo chí. Năm 1912, một bà Eliza Woodman nào đó tìm thấy chú mèo con bị lột da trên bậc cửa nhà, tiếp theo là một loạt bức thư lăng mạ tục tĩu ít khó chịu hơn một chút. Người hàng xóm kế bên của bà ta, một mệnh phụ đáng kính khác, bị kết tội quấy rối và thụ án 18 tháng tù trước khi người ta phát hiện ra rằng Woodman đã tự viết những bức thư đó. (Bà ta cũng chính là nguyên nhân gây ra vụ con mèo bị lột da.)
Thường những vấn đề có tính rất riêng tư này không được trình báo cho cảnh sát mà chỉ được những thế hệ sau phát hiện; đôi khi các nhà đương cục bác những vụ đó đi vì cho rằng chúng không đáng để quan tâm. Trong bất kỳ trường hợp nào, ở thời kỳ Cockayne đề cập đến, phát hiện ra chúng chẳng dễ dàng gì – những con tem được đánh dấu bằng mực vô hình và phân tích mật mã thời đầu là không đáng tin cậy nhất.
Nỗi hổ thẹn vì bị nghi ngờ và sự bất lực không thể làm trong sạch thanh danh của họ chứng tỏ là những thứ không thể chịu đựng được đối với nhiều người bị buộc tội viết thư và người nhận thư; tác giả ghi lại nhiều sự cố bi thảm về cái chết do tự sát. Như một nhân viên điều tra những cái chết bất thường nhận xét về một vụ như vậy, nỗi đau khi nhận được những lá thư nặc danh chế nhạo đề cập đến một tiền án trong quá khứ đối với nạn nhân là “vượt quá khả năng chịu đựng hợp lý của anh ta”.
Hãy hiểu câu này như lời bình luận về bản chất thân phận con người; có lẽ đồng thời như phương tiện không chắc có thực để thoát ly thực tại tới một thời điểm khi những trường hợp này chí ít không phải là một thực tế thường ngày trong đời sống của công chúng. Chúng ta liệu có thể thực sự biết rằng một nhà văn đang nghĩ gì không? Đối với độc giả là tôi, những gì Cockayne thực sự viết là câu chuyện lịch sử về loại tiền tệ bị mất giá nhất: quyền riêng tư.
Bằng cách nghiên cứu những trường hợp riêng rẽ – như thế nào, khi nào, ở đâu, và quan trọng nhất là tại sao – Cockayne tạo ra một thứ gì đó kích thích tư duy và mang tính nhân văn. Là thứ trái lại hoàn toàn với một lá thư ngòi-bút-độc-địa, thật đấy. Mối hận thù giữa hoàng tử Harry và cầu thủ David [Beckham] nằm ở đâu đó giữa hai thứ này.
PENNING POISON: A History of Anonymous Letters | By Emily Cockayne | Oxford University Press | 299 pp. | $25
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: