nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn “The World in a Wineglass” (“Thế giới trong ly rượu vang”) của Ray Isle là công trình khảo sát sâu rộng về những người trồng nho, tập trung vào sự phát triển bền vững và các phương pháp hữu cơ.
Chủ nhân của các nhà máy rượu vang dường như sống cuộc đời đầy ân sủng nhiệm màu. Các nhà văn và nhà phê bình viết về rượu vang cũng vậy, nếu những câu chuyện phiếm và những bài đăng trên Instagram của họ là đáng tin cậy. Có vẻ như chúng liên quan đến rất nhiều những lâu đài, những khung cảnh tráng lệ, những hồ bơi vô cực, những ly cốc tinh xảo và bữa tối dưới ánh nến trong phòng riêng. Những người trong giới rượu vang, vì lý do nghề nghiệp, thường đã ngà ngà từ lúc 11 giờ sáng.
Quay trở lại bàn làm việc mới là phần gian nan. Việc giải mã những ghi chú được ghi lại trong lúc “mệt mỏi và xúc động” – cách dùng uyển ngữ của người Anh để chỉ trạng thái say xỉn – đâu phải chuyện chơi. Gian nan hơn nữa là tìm cho ra những cách độc đáo để diễn đạt nghĩa “thơm ngon”. Ngôn từ viết về rượu vang đã bị nhai đi nhai lại có lẽ kể từ tác gia Pliny the Elder nhưng chắc chắn là từ năm 1937, khi tờ The New Yorker xuất bản bức tranh biếm họa của James Thurber vẽ người đàn ông giơ cao chiếc ly đen như mực trên bàn ăn. Dưới chân bức tranh viết: "Đó là một loại Burgundy thuần khiết chưa gây giống tràn lan, song tôi nghĩ các vị sẽ thích thú với tính ngạo mạn của nó". Nhà thơ Tony Hoagland đã châm chọc tính phô trương của ngôn ngữ rượu vang một cách thâm thúy hơn khi ông viết trong bài thơ đẹp lạ lùng sáng tác năm 2003 “When Dean Young Talks About Wine” (“Khi Dean Young nói về rượu vang”):
Nhưng đâu là rượu Cabernet của hóa đơn thuê nhà và thuốc hen?
Đâu là rượu Burgundy của những đôi giày chỉnh hình?
Đâu là rượu Chablis của những đầu gối trầy da và bánh mì kẹp mứt?
với dư vị là những huấn luyện viên tàn nhẫn của Little League ?
và âm thanh trầm đục của chiếc xe ô tô wagon rỉ sét?
Người chuyên phục vụ rượu vang hợm hĩnh tại các nhà hàng sẽ trả lời câu hỏi của Hoagland như thế này: Thưa ông, chúng có mặt ở khắp nơi, chính là những chai Chardonnays của Úc trị giá 7,99 đô la với những con kangaroo trên nhãn.
Robert M. Parker Jr. thay đổi kiểu bình phẩm rượu vang và việc kinh doanh rượu vang hồi thập niên 1980 bằng cách bỏ qua mọi ngôn từ. Ông ta sử dụng hệ thống đánh giá bằng số cho mỗi chai. Cái giá cho sự thành công của Parker là trở thành kẻ không sành điệu sánh ngang với Robert Moses (cả hai đều là những người cào bằng và đơn giản hóa) đối với các thế hệ trẻ đam mê rượu vang. Tên ông ta được nhắc đến với một cái nhún vai.
Ở đầu cuốn sách hướng dẫn mới đồ sộ “The World in a Wineglass: The Insider’s Guide to Artisanal, Sustainable, Extraordinary Wines to Drink Now” (“Thế giới trong ly rượu vang: Hướng dẫn của người trong ngành về các loại rượu thủ công, ít gây tác động đến môi trường, rất đặc sắc để uống thời nay”) – cuốn sách khiến người đọc ngồi còng cả lưng của Ray Isle – tác giả dừng lại để phàn nàn về những hương vị nếm thử ăn-theo-trái-cây mà các nhà văn viết về rượu vang thường sử dụng. “Bạn có thực sự tưởng tượng được thứ rượu đó sẽ có hương vị như thế nào trong miệng mình từ một danh sách liệt kê như ‘xoài, dứa, lê, mơ và gỗ sồi’ không?”, anh đặt câu hỏi. Những thứ này khiến anh nhớ đến danh mục đồ uống của một quán sinh tố.
Những từ ngữ miêu tả kiểu đó có thể là tất yếu phải có. Sau lời ta thán ban đầu, Isle hăng hái ủng hộ chúng. Thú vị hơn khi anh gạt ly trái cây kia sang một bên. Theo quan điểm của anh, ai mà không muốn nếm thử loại rượu vang Burgundy sở hữu “một kiểu tính chất nghiêm ngắn của lính tráng” chứ? Thế còn loại rượu có “hệ thống cơ bắp như vũ công” thì sao? Rồi sau đó, có loại rượu vang đỏ phối trộn xuất xứ từ Central Valley của California mà Isle đề cập đến như một thí dụ cho loại rượu vang "làm sao mà ly của tôi lại cạn nhanh đến thế?" Thật kỳ lạ: Hầu như mọi chai tôi mở đều khớp với miêu tả đó.
Một số nhà sản xuất rượu mà anh phỏng vấn giỏi hơn ở trò chơi chữ này. Một người ở Oregon so sánh thứ rượu vang pinot noir của mình với bản ballad đầy nhục dục của Barry White. Một nhà sản xuất rượu ở miền Bắc nước Ý khoe khoang rằng rượu vang gewürztraminer của ông ta không thuộc loại rượu vang “Miami Vice” đáng sợ: “Không có độn vai!” Người sản xuất loại rượu vang Barbera có vị chát vừa phải đề cao loại rượu của mình (và cũng có thể anh ta đang nói về cuốn sách này): “Nó hơi giống với việc ném uỵch bộ bách khoa toàn thư lớn lên bàn.”
Isle là một trong số những nhà bình luận rượu vang giỏi nhất và nổi tiếng nhất ở Mỹ. Anh biên tập chuyên mục rượu vang cho tạp chí Food & Wine nhiều năm nay. Anh là hiện thân của sự vui tính khi xuất hiện trên chương trình “Today” với ly rượu trên tay. Khẩu vị của anh cực kỳ đáng tin cậy. Nó cần được bảo hiểm, như đôi chân của Betty Grable, bởi tập đoàn Lloyd's of London. Tôi định mang lời khuyên về rượu của anh đến ngân hàng này. Điều tôi không định làm là mang cuốn sách mới của anh ra khỏi hiệu sách. Nó nặng quá. Nó cũng bị độn nhiều quá, giống như bài báo cáo thu hoạch cuối kỳ của sinh viên vậy. Nếu là một chiếc giỏ Phục sinh, nó sẽ độn 95% giấy xanh được cắt nhỏ. Bạn thực sự phải sục sạo kỹ mới tìm được những quả trứng chứa kẹo.
Có lẽ những cuốn sách hướng dẫn về rượu vang khổng lồ như cuốn này được dự định để trưng bày hơn là để đọc. Chúng là thứ để quảng cáo rằng bạn quan tâm đến những điều tinh tế hơn. Trong các hiệu sách cũ, những cuốn sách lớn về rượu vang thời trước là những cuốn sách khổng lồ bị hoen ố và bạc phếch. Chúng giống như da thú nhồi bông, đang thối rữa một cách huy hoàng trên bức tường phía sau. Ngoài những tạp chí điện tử ra, rất ít thứ lỗi thời nhanh đến vậy.
Nhưng tôi đã tìm thấy những quả trứng phục sinh đó. Chúng là những lời giới thiệu của Isle về những nhà máy sản xuất rượu vang độc đáo, không đắt tiền, “rất phong cách” (một từ mà anh thích) và những chai rượu của họ, cũng như những ghi chú của anh về lý do vì sao chúng lại quan trọng. Tư liệu hay tuyệt này có thể in vừa trên hai tá thẻ mục lục, hoặc khoảng tám trong số 706 trang của cuốn sách.
Sự vô vị của “The World in a Wineglass” phát sinh từ phần còn lại của cuốn sách này. Lời giới thiệu của Isle về các quốc gia và khu vực chủ yếu được viết bằng thứ văn xuôi nặc danh theo kiểu Sách hướng dẫn du lịch Frommer’s. Sự chú ý ở mức độ cao mà anh dành cho tính phát triển bền vững và các phương pháp hữu cơ là điều khiến cuốn sách của anh khác biệt, nhưng anh dành hầu như mọi khoảnh khắc có ý thức cho nó. Bạn sẽ được nghe nhiều hơn rất nhiều những gì bạn muốn biết về các loại men bản địa, nền nông nghiệp tái tạo cũng như việc làm bẩn thỉu khi bổ sung sunfat vào. Và sau đó bạn sẽ lại được nghe tất cả những điều này lần nữa.
Anh giới thiệu với độc giả những chủ sở hữu của hàng tá nhà máy rượu vang, hầu hết trong số họ đang nổi dậy chống lại lối làm ăn đáng tiếc (quá nhiều phân bón) của cha ông họ trong những thập kỷ 1960, 70 và 80. Điều này có thể đáng ngưỡng mộ, trong chừng mực nhất định. Song những miêu tả sơ lược mang tính giản yếu của Isle dựa quá nhiều vào các chứng chỉ nông nghiệp xanh của mỗi nhà máy rượu đến nỗi có vẻ như anh đã lục soát chúng kĩ càng và ép chúng phải thực hiện một loạt cuộc thử nghiệm độ tinh khiết. Tôi cứ chờ mãi một người đứng ra tuyên bố, như Wendell Berry từng làm, rằng đối với một nông dân thì ngay cả việc nghe dự báo thời tiết cũng là bán linh hồn cho quỷ dữ.
Tôi bắt đầu thấy khoái những người biết-tuốt, những người bán rượu vang quạu cọ luôn phản đối. Anh có thể là một người theo chủ nghĩa thuần túy mà vẫn chế ra thứ rượu vang lởm khởm, một người nói thế với Isle. Một người khác bảo anh rằng chỉ tập trung vào cái thứ nông nghiệp xanh này là viển vông và ngu ngốc. Một người khác nữa nói, không vòng vo, rằng nếu anh muốn làm chính trị, hãy nói về bảo hiểm y tế cho công nhân làm trong vườn nho. Một người bán rượu vang ở Oregon nói về Demeter, tổ chức cấp giấy chứng nhận cho các nhà máy sản xuất rượu vang biodynamic [theo mô hình nông nghiệp sạch]:
Tôi đã được cấp giấy chứng nhận, nhưng tôi đã thôi rồi. Năm nào họ cũng đối xử với chúng tôi như những kẻ khủng bố. “Anh có chắc rằng anh không gian lận không? Anh có chắc là anh không vi phạm quy định không?” Và rồi tôi mua bốn chiếc xe địa hình ATV, và họ bảo: "Anh không xin phép chúng tôi để mua những chiếc xe đó", và tôi nói thế này: "[văng tục] nghỉ nhé."
Những tiếng nói này quan trọng vì gần như mọi nhà sản xuất rượu vang khác đều nói như một nhà thơ hạng hai tỏ ra đức hạnh. “Tôi chẳng khi nào có thể làm bất kỳ điều gì thiếu tôn trọng đất đai mà nhìn thẳng vào mắt Mẹ Thiên nhiên lần nữa,” một người nói. “Khiêm tốn trước đất đai” là tôn chỉ của người khác. “Chúng tôi là những nghệ nhân tầm cỡ khiêm tốn trên mặt đất,” một người khác nữa nói. Hãy nhân câu nói sến súa này lên 400 lần và bạn sẽ biết thế nào là dành thời gian cho “The World in a Wineglass”. Chẳng khác gì nghe những lời phát biểu tại giải Oscar.
Có một kiểu viết nhất định nào đó về đồ ăn và rượu vang vô tình đi vào bãi mìn giai cấp. Nhà văn thành thị tự do này bị thả xuống một con đường chăn dê đầy sỏi đá giữa những người nhà quê có khiếu nghệ thuật hoặc thành công, hoặc cả hai: Anh nên miêu tả họ như thế nào? Điều không nên làm là tưới đẫm họ bằng niềm vui sống. Isle một cách nhất quán và trịch thượng gọi những người đó là “vui vẻ và tinh nghịch” hoặc xuất thân từ “ngôi trường của yêu tinh già thông thái”. Anh nói rằng họ “cực kỳ nhộn nhịp” hoặc “náo nhiệt dữ dội” hay là có “nụ cười tinh quái, có sức lan tỏa” hoặc “không thể kìm nén được”. Cứ như thể anh đang miêu tả những đứa trẻ đang tuổi chập chững, hoặc một bộ óc bị quẫn trí. Không một ai có thể đề cập đến một luật sư, một đại sứ, một học giả hay một nhà văn chuyên viết về rượu vang theo kiểu này.
Một nhà sản xuất rượu vang xứ Slovenia nói với Isle, bằng những câu mà tôi thích nhất trong cuốn sách này: “Tôi cần các nhà phê bình! Tôi đâu cần bọn tô-mắt-vẽ-mày shikimiki zak-zak này!” Isle cho rằng mấy chữ cuối cùng có nghĩa gì đó giống như “đám hippy ba phải và vô dụng”. Hãy hô to: Đả đảo bọn shikimiki zak-zak tô-mắt-vẽ-mày! Hãy cổ vũ cho Ray Isle, người có những cuốn sách hay hơn trong lòng.
THE WORLD IN A WINEGLASS: The Insider’s Guide to Artisanal, Sustainable, Extraordinary Wines to Drink Now | By Ray Isle | Scribner | 706 pp. | $50
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: